Thứ năm, 6/2/2020, 07:59 (GMT+7)

Cuộc sống ở Trung Quốc thay đổi thế nào bởi dịch nCoV

Yang Dechao, một công nhân 34 tuổi, bị mắc kẹt ở Vũ Hán, nói anh mất hết ý niệm về thời gian vì mọi hoạt động bình thường đã dừng lại.

Ở Hàm Đan - thành phố 3 triệu dân, cách Vũ Hán hơn 800km về phía bắc - đường phố im lặng một cách đáng sợ, dù dịp Tết Nguyên đán mới chỉ kết thúc vào 2/2. Cán bộ địa phương được yêu cầu làm việc ở nhà, trong khi các nhà máy được chỉ đạo dừng sản xuất cho đến 3/2, trừ các mặt hàng cần thiết như dụng cụ y tế. Hầu hết trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng và quán cafe đã đóng cửa hoặc hoạt động ít hơn bình thường. Việc hạn chế khiến người dân không thể mua nhu yếu phẩm, trong đó có cả đồ ăn, thứ đã hết sau đợt mua sắm khẩn cấp vào ngày đầu năm mới. 

Một cửa hàng KFC trong thành phố là một trong số ít nhà hàng còn mở cửa. Mặc dù vậy, người dân không thể vào mà chỉ có thể đặt hàng trên smartphone và đợi bên ngoài để lấy đồ ăn. 

Đường phố Hàm Đan yên tĩnh, vắng vẻ. Ảnh: SCMP.

Hàm Đan không chịu nhiều thiệt hại nặng nề, chỉ với 14 trường hợp mắc bệnh (tính đến ngày 3/2). Nhưng việc đóng cửa hàng loạt dịch vụ trong thành phố cho thấy phải mất rất nhiều thời gian nữa cuộc sống ở Trung Quốc mới trở lại bình thường. 

Khi virus bùng phát, chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý, trong đó áp lệnh phong tỏa một số thành phố ở tỉnh Hồ Bắc, ngừng các dịch vụ di chuyển công cộng và giảm giờ làm của các cửa hàng. 

Các nhà phân tích cho biết dịch virus corona có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn dịch SARS năm 2002-2003. Cho dù tác động tới kinh tế là rất to lớn, các nhà chức trách vẫn không chịu đầu hàng. Ở Hàm Đan, gần hết các chung cư chặn người bên ngoài vào và được canh gác bởi các tình nguyện viên với băng tay đỏ. Cảnh tượng khiến nhiều người khó chịu vì năm mới là dịp để đi thăm gia đình. 

KFC là một trong những cửa hàng hiếm hoi vẫn hoạt động ở Hàm Đan, nhưng chỉ nhận đặt đơn hàng qua smartphone. Ảnh: SCMP.

Trước cổng ra vào một khu đô thị, một tài xế chưa đăng ký với khu này đang tranh cãi với một nhân viên an ninh - người từ chối cho cô đi vào và phải đợi cảnh sát đến để giải quyết. Ở nơi khác, một thông báo dán ngoài cửa chung cư bởi một nhóm chống dịch bệnh cho biết tòa số 1 với hàng chục căn hộ sẽ được cách ly hoàn toàn. Một cư dân nói: "Tôi sẽ tự cách ly, đáng sợ quá. Tôi lo thang máy cũng không an toàn".

Ở Cixian, một quận thuộc Hàm Đan, chính quyền đưa thêm lệnh cấm với cư dân sau khi có ca nhiễm bệnh đầu tiên. Theo đó, chỉ một thành viên mỗi hộ gia đình được phép ra ngoài cứ sau hai ngày để mua nhu yếu phẩm - giống lệnh hạn chế ở các thành phố khác thuộc Hồ Bắc như Hoàng Cương, Ôn Châu. Những lệnh cấm này phổ biến ở Trung Quốc và gần như ngăn chặn cuộc sống trở lại bình thường. 

Trong khi các nhà phân tích dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ bị đình trệ trong một thời gian, Lian Weilang - một thành viên của Hội đồng Cải cách và Phát triển - cho rằng sự ảnh hưởng của virus corona sẽ không tệ như dịch SARS đã gây ra. Các lệnh cấm của chính phủ bị nghi ngờ là sẽ không có nhiều tác động tới các hoạt động kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phải để ý tới nền kinh tế trong khi vẫn phòng chống dịch. Vấn đề việc làm cũng là một mối lo đối với người dân Hàm Đan. 

Nhiều người dân đã chia sẻ nỗi lo lắng và tranh luận về thời điểm họ có thể đi làm lại. Lena Wei bay từ Hạ Môn về Hàm Đan vào ngày 19/1 để gặp gia đình và bạn bè. Cô cho biết kỳ nghỉ bị phá hỏng vì lệnh cấm tụ tập đông người được ban bố. Wei cho biết: "Tôi chưa gặp được bạn. Tôi còn chưa bỏ mác ra khỏi quần áo mới".

'Thành phố ma' Vũ Hán quay từ drone
 
 
Thành phố Vũ Hán vắng tanh. 

Còn ở Vũ Hán, buổi sáng yên tĩnh đến nỗi có thể nghe thấy tiếng chim hót, một số con chó chạy giữa đường phố vắng tanh. Người dân đeo khẩu trang ra khỏi nhà, lo âu tràn ngập trong ánh mắt. 

Họ xếp hàng tại các bệnh viện. Họ "xếp lốt" bên ngoài hiệu thuốc - nơi tuyên bố đã bán hết khẩu trang, thuốc khử trùng và nhiệt kế. Họ xếp hàng mua gạo, trái cây và vét sạch các kệ hàng ở một số cửa hàng hiếm hoi vẫn hoạt động, trong khi gần như tất cả đều chìm vào im lìm. Họ trở về nhà giữa "cuộc bao vây" của dịch bệnh mới của thế kỷ 21. Những người không may mắn nhất nằm ở nhà hoặc trong viện vì liên quan đến viêm phổi cấp do chủng virus corona gây ra. 

"Trước đây, tôi chưa bao giờ nghe về thứ gọi là virus corona", Sun Ansheng - người đàn ông 50 tuổi - ngồi ở bậc thang bên ngoài bệnh viện Hankou ở Vũ Hán - nói. Vợ anh bị sốt, nghi ngờ nhiễm nCoV. "Không đủ giường, cũng chẳng đủ bác sĩ. Mùi của virus  corona đang ngập trong tâm trí tôi lúc này", anh nói. 

Bệnh viện Hankou ở Vũ Hán. Ảnh: NY Times.

Chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với Vũ Hán và một phần của vài thành phố lân cận nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Đô thị hơn 11 triệu người bị xáo trộn, được miêu tả trông chẳng khác gì "thành phố ma". 

Một số người vẫn cố duy trì cuộc sống đời thường như chạy bộ, đi dạo bên bờ sông hoặc đưa trẻ em ra ngoài hít thở khí trời. Một số người chìm trong sự buồn chán và sợ hãi. 

Yang Dechao, một công nhân 34 tuổi, bị mắc kẹt ở Vũ Hán, nói anh mất hết ý niệm về thời gian. "Chẳng rõ hôm nay là chủ nhật hay thứ hai nữa. Bạn sẽ mất nhận thức về thời gian vì mọi hoạt động bình thường đã dừng lại. Giờ đây chỉ có gia đình và chiếc điện thoại qua ngày", Yang nói. Yang kể, anh đến Vũ Hán để kiểm tra y tế nhưng cuối cùng chính phủ cấm mọi người rời khỏi đây. 

Anh liên lạc với bố mẹ già ở làng quê bên ngoài thành phố bằng những thư thoại ngắn gọn để nắm được tình hình sức khỏe. "Tôi có người thân ở đây nhưng không dám đến thăm họ. Tôi đang đi tìm một khách sạn rẻ hơn để trú ngụ. Nhiều người ở đây cảm thấy bị cô lập. Tôi cũng vậy", Yang nói. 

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và hơn 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, khó thở và ho. Bệnh diễn biến nặng có thể gây suy thận, viêm phổi dẫn đến tử vong. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Mỹ, Australia và Singapore ban hành lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài tới Trung Quốc trong thời gian bùng phát dịch viêm phổi cấp. Nhiều quốc gia thắt chặt quy định cấp thị thực, hạn chế nhập cảnh, yêu cầu kiểm tra thân nhiệt và nộp giấy khám sức khỏe đối với công dân Trung Quốc.

>>Xem thêm: 
Gương mặt lồi lõm in hằn khẩu trang của bác sĩ Vũ Hán
Hàng xóm thành 'kẻ thù của nhau' vì nCoV ở Trung Quốc
Cuộc chiến sinh tồn khốc liệt của người Vũ Hán

Huyền Anh (Theo SCMP, Nytimes)