Thứ sáu, 23/10/2020, 09:18 (GMT+7)

Cô gái làm nghề trang điểm cho người chết

Sau một năm làm việc, Phương Loan không còn ngại ngần khi giới thiệu: 'Tôi là thợ trang điểm tử thi'; còn T - cô gái đang học việc với Loan - vẫn e dè giấu kín tên tuổi.

Tay cầm hộp mỹ phẩm bước căn phòng rộng chừng 10 m2, không có cửa sổ, đèn bật sáng, chị Loan quỳ vái ba lạy trước thi thể của người đã mất, cúi chào người nhà, đeo găng tay rồi bắt đầu trang điểm. Mọi việc, từ thoa lớp dưỡng ẩm, đánh lớp lót, kem nền cho đến kẻ mắt, tô son đều được thực hiện hệt như các bước trang điểm cho người sống. Đến phần tạo kiểu cho tóc, chị nhờ người hỗ trợ nâng nhẹ đầu lên để chải, sau đó xịt gôm, rồi đến dũa móng tay, sơn móng, đeo khuyên tai và cuối cùng là phủi bụi phấn bị vương trên quần áo.

Suốt quy trình trang điểm kéo dài từ 1 - 2 tiếng, người phụ nữ trẻ tỉ mẩn làm từng bước nhưng không quên những điều kiêng kỵ: Không đưa đồ qua người, không được di chuyển đầu sang bên hay cắt tóc, cạo râu.

Hoàn thiện mọi công đoạn, người phụ nữ cúi lạy 3 lần, thu dọn đồ rồi ra về.

Chị là Đinh Thị Phương Loan, 32 tuổi, quê ở Phú Thọ, nhân viên trang điểm tử thi của Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Gần một năm trước, chị Loan chuyển sang trang điểm cho người đã khuất sau 4 năm làm thợ trang điểm chuyên nghiệp. Theo chị, trang điểm cho người chết là công việc chưa được chuyên nghiệp hóa tại Việt Nam, thông thường những người trong nhà tang lễ sẽ phụ trách luôn.

Vào nghề....

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Giáo dục Thể chất, chị bươn chải đủ nghề rồi quyết định trở thành chuyên viên trang điểm chuyên nghiệp từ hơn 4 năm trước.

Chị Đinh Thị Phương Loan.

Trong một lần đi viếng tang chị gái của bạn thân, chị nghe người bạn than phiền: "Mình muốn tìm một người trang điểm cho chị trước khi về nơi an nghỉ cuối cùng mà khó quá. Ở nhà tang lễ họ chỉ bôi chút son phấn qua loa, không thuận mắt. Muốn được làm đẹp cho chị những giây phút cuối cùng mà không được". Lời nói của cô bạn khiến chị trăn trở, day dứt suốt cả tháng trời: "Mình làm nghề trang điểm cho tử thi có được không?/ Sao mình không làm việc này để giúp họ xinh đẹp hơn? Liệu có ai thuê? Có sợ bị mang tiếng, bị mọi người xa lánh"...

Nhờ các mối quan hệ, chị xin vào cộng tác với Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên để trang điểm cho tử thi. Đến lúc này, người phụ nữ 32 tuổi mới cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm đôi phần vì được làm điều gì đó cho người đã khuất.

"Ban đầu mình sợ mọi người nghĩ bị điên, nhưng không ngờ lại nhận được sự giúp đỡ từ bên nghĩa trang. Hiện tại mọi người có thể liên lạc trực tiếp với mình hoặc thông qua nghĩa trang Lạc Hồng Viên để được phục vụ", chị Loan nói.

Nhưng trang điểm cho tử thi không hề giống như cho người sống, chị bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi về kết cấu da mặt, cách tạo khối, lựa chọn màu phấn cho phù hợp từ các video hướng dẫn ở nước ngoài. Chị cũng lưu ý về những điều nên và không nên làm khi tiếp xúc với người đã khuất.

Theo lời chị Loan, da mặt của người chết thường khô ráp, nhăn nheo và tím tái vì để trong phòng lạnh, do vậy việc lựa màu phấn cần được chú trọng. Đặc biệt, việc trang điểm phải giữ nguyên tư thế, không được đụng chạm, quay chỉnh đầu cũng gây nhiều khó khăn.

Chị Loan cùng người phụ trợ đeo găng tay trước khi làm các bước trang điểm.

Nhớ về lần đầu tiên vào nghề, chị thấy mình "gan cũng to lắm" vì chẳng sợ sệt, lo lắng gì. Làm xong cũng không thực hiện các thủ tục cần thiết theo quan niệm truyền thống như bước qua chậu lửa để vào nhà hay mang tỏi theo người... Chị quan niệm, người sống với người chết cũng giống nhau, việc mình làm xuất phát từ tâm nên không sợ.

Gần một năm theo nghề, chị đã nhận trang điểm cho cả trăm trường hợp, nhưng phần lớn là những người chết vì tuổi cao, bệnh tật. Các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, biến dạng gương mặt chị vẫn chưa dám nhận vì cần phải trau dồi thêm tay nghề.

Day dứt

- Làm nghề trang điểm cho tử thi chị có sợ không?

- Mình chẳng bao giờ sợ nhưng day dứt thì lúc nào cũng có. Có nhiều bạn ra đi khi còn trẻ quá.

Trong số cả trăm ca trang điểm cho tử thi, chị Phương Loan luôn nhớ về cô bé 15 tuổi qua đời vì bệnh.

"Biết trước sẽ trang điểm cho một cô bé, nhưng khi bước vào căn phòng, thấy cháu nằm trên giường như đang ngủ, cảm giác đau xót như mất đi chính người thân", chị Loan nói.

Gương mặt nhỏ nhắn, thanh thoát của bé gái khiến chị phải kiềm chế cảm xúc, cố gắng tập trung không để nước mắt rơi. "Nếu cô bé không chết vì bệnh sau này sẽ xinh đẹp lắm, có thể sống tự do và hạnh phúc như bao người" - suốt khoảng thời gian trang điểm, những suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu. Thậm chí đến khi về nhà, gương mặt của cô bé vẫn lưu trong tâm trí. "Mình còn mơ thấy cháu, cháu cười và hướng ánh mắt về mình", chị kể.

Nhắc về những khó khăn khi đến với nghề, chị cười vì "không sợ người chết mà chỉ sợ lời nói gièm pha, bàn tán và sự xa lánh của người xung quanh".

"Trước những lời nói đó mình chỉ cười, vì biết bản thân làm đúng. Mình chẳng ngại nói với mọi người về nghề của bản thân. Mình tự hào về việc đang làm, ai nói gì thì nói vì mỗi người đều có suy nghĩ riêng", chị đáp.

Ngoài chị Loan, nhóm của chị còn có ba cô gái trẻ tuổi từ 22 đến 30 đang học việc. Nhưng vì ngại sự đánh giá của người ngoài nên cả ba đều không muốn công khai.

N.T.T, 24 tuổi, quê ở Phú Thọ, đã theo học trang điểm cho tử thi với chị Loan được gần một tháng. Sau khi tốt nghiệp đại học, T đi bán hàng nhưng thấy không phù hợp nên quyết thử sức với nghề mới.

Với T, việc trang điểm cho người sống hay người chết đều giống nhau, vì mọi người đều có nhu cầu làm đẹp và đặc biệt cô không sợ.

Quyết định theo nghề, nhưng T chưa dám nói chuyện với bố mẹ hay công khai nghề nghiệp đang theo đuổi vì sợ dư luận. "Trang điểm cho tử thi là một nghề mới, ít người biết và đa phần mọi người thường sợ hãi nên em ngại chia sẻ", T chia sẻ.

T cũng thẳng thắn cho biết, cô lựa chọn nghề cũng bởi mức độ cạnh tranh thấp và mức lương tương xứng. "Ra trường được hai năm, em hiểu cảm giác không thể tự xin việc và nuôi sống bản thân, nhất là trong môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa các ngành nghề", cô gái trẻ nói.

Dù gặp nhiều khó khăn, chị Loan và những cô gái trẻ đang học việc đều chắc chắn sẽ theo và phát triển công việc này trong tương lai, nhất là khi liên tục nhận được phản hồi tích cực từ các gia đình.

"Người ta thường nói con gái ai đi làm cái nghề này, nhưng mình nghĩ chỉ cần làm đúng với lương tâm, giúp đỡ được cho người khác, thì những lời bàn tán có là gì", chị Loan cười.

Trong thời gian tới, cô gái 32 tuổi sẽ đến Đài Loan để học thêm các khóa trang điểm cho các ca khó như bị tai nạn, gương mặt biến dạng sẽ đều được khắc phục để về hình dáng bình thường nhất.

Thúy Quỳnh