Thứ năm, 17/9/2020, 00:00 (GMT+7)

Cô gái 'chỉ có nửa khuôn mặt' vượt ám ảnh kỳ thị, gắn bó với trẻ tự kỷ

Từng đứng trên cầu định tự tử vì bị miệt thị, nhưng 6 năm sau, Hảo lại đang giúp những mảnh đời không may, để họ được sống trọn vẹn thay vì tìm đến cái chết.

Một tối giữa tháng 9/2020, kết thúc cuộc trò chuyện với người bạn ở Nghệ An đang gặp phải những vấn đề về tâm lý đã gần một giờ sáng, Hảo vươn vai, bất giác đưa tay vuốt nhẹ lên mặt. Lớp da mặt bên phải nhăn nheo, sần sùi, gò má bị hõm xuống kéo xô xương hàm, phần sẹo trên mặt kéo dài đến hết nửa đầu bên phải khiến tóc không thể mọc, cô gái trẻ chợt nhận ra: mình đã chung sống với "gương mặt một nửa" đã 26 năm. Cô là Hà Bích Hảo, 26 tuổi, quê ở Nam Định, hiện là giáo viên dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Mỗi tối sau giờ làm việc, Hảo dành ra vài tiếng để lắng nghe tâm sự của những người tìm đến mình. Họ là người gặp trở ngại về tâm lý do tự ti về ngoại hình, người khuyết tật và cả trường hợp bế tắc trong cuộc sống. Khác với những người chỉ biết chỉ trích, trách móc và đẩy kẻ yếu thế đến bước đường cùng, Hảo chọn cách lắng nghe, đưa ra lời khuyên vì sự đồng cảm và đôi khi cô muốn họ biết rằng: Nỗi đau họ phải chịu đựng chẳng là gì so với cô.

"5 năm trước, mình từng đọc chia sẻ của một bạn trên Facebook. Bạn gái này thích một anh chàng, nhưng lại tự ti bản thân vừa béo, xấu nên không dám nói và rất suy sụp. Lúc ấy mình đã chụp chính diện gương mặt của bản thân và chia sẻ vào phần bình luận. Không phải để tìm sự thương cảm mà chỉ muốn cô ấy hiểu: Bạn còn đẹp hơn mình gấp vạn lần, hãy tự tin lên", Hảo nói.

Chuyện của Hảo bắt đầu hồi 6 tháng tuổi. Gương mặt xinh xắn của bé gái bỗng dưng xuất hiện một vết bớt đỏ và được chẩn đoán mắc u máu ngoài da. Trong quá trình phẫu thuật cô bị bỏng laser, kéo lệch toàn bộ một bên mặt phải từ tai đến mắt xuống tận cổ, khiến gương mặt bị biến dạng. Sau tai nạn, Hảo được nuôi bằng nước cơm của bà nội vì không thể tự bú mẹ.

Lên 6 tuổi, bị coi người là khuyết tật, Hảo phải ngồi ở cuối lớp với tư cách là học sinh dự thính ở trường công lập. Mãi đến năm lớp 2, nhờ có sự trợ giúp của cô hiệu phó, Hảo chính thức được đi học... Thế nhưng, sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè không giảm.

Mỗi ngày đến lớp, Hảo bị bạn bè ném sách vở, dẻ lau bàn vào người, phải nghe những lời soi xét thậm tệ... Đối mặt với những sự kỳ thị đó, Hảo chỉ im lặng, kể cả khi bị bạn đánh. Biết mình bị nhiều người ghét vì ngoại hình xấu xí nhưng mỗi lần nhìn vào gương, cô bé ngây ngô luôn cho rằng khi lớn lên sẽ khác. Trong đầu Hảo luôn gieo rắc niềm tin rằng chỉ 5 - 10 năm nữa, da thịt sẽ thay đổi và mình sẽ "giống người bình thường mà thôi".

Lên cấp 2, Hảo dần ý thức được sẽ không có sự thay đổi hay phép màu nào xảy đến với mình. Nữ sinh vẫn bị các bạn ghét bỏ. Với Hảo, chuyện bị nói là "con quỷ", "xác sống", "đồ xấu xí" là điều bình thường cho đến một ngày những người bạn kia có lời lẽ không hay về bố mẹ. Hảo đã vùng lên thay vì cam chịu. Từ một đứa có thể chịu đựng những lời cay nghiệt, cô bé lớp 6 đã sẵn sàng cầm gậy đánh trả khi bị bắt nạt. Trong đầu Hảo khi ấy xuất hiện suy nghĩ "là một học sinh ngỗ nghịch không đến nỗi tệ khi ai cũng phải sợ mình".

4 năm học cấp 2, bố mẹ Hảo được mời lên trường 4 lần để làm việc vì con gái đánh nhau và lực học không vượt quá trung bình. Với "thành tích" của Hảo, nhà trường không ủng hộ em thi cấp 3 vì cho rằng "thi cũng chẳng đỗ". Nhưng nhờ sự trợ giúp của chị gái, Hảo cũng đỗ vào một trường dân lập của huyện nhưng vẫn bị bạn bè ghét bỏ vì ... quá khác biệt.

Hà Bích Hảo, 26 tuổi.

8 tuần đầu tiên đi học ở trường mới, bạn bè đối xử với Hảo rất tệ. Cô nhớ lại, họ đã nói không muốn Hảo xuất hiện trong lớp vì "cô là kẻ không xứng đáng". Liên tục bị cả lớp ném giày dép vào người và đuổi ra khỏi lớp, Hảo bỏ học một tuần ở nhà cho đến khi nghe mẹ nói: "Nếu như mẹ có thể thay con chịu đựng tất cả điều này, mẹ sẵn sàng, kể cả chấp nhận cái chết". Cô lặng người...

Chính bởi câu nói đó, Hảo bắt đầu thay đổi và nỗ lực học tập. Từ học sinh trung bình, cô vươn lên học sinh tiên tiến và sau đó thuộc top đầu của lớp. Cô thành cán bộ lớp và bạn bè cũng dần cởi mở hơn.

Cuối lớp 12, Hảo nghĩ về việc học đại học dù với mọi người đó là chuyện viển vông. Vốn là người thích làm điều mình muốn, Hảo đăng ký thi vào khoa Văn của ĐH Sư phạm Hà Nội.

Năm 2014, khi các trường đã công bố hết điểm, trường sư phạm vẫn chưa có. Bố mẹ nghĩ con gái "trượt rồi" nên bàn tính chuyện mua một đôi bò để Hảo chăm, cuối năm khi bò đẻ là có tiền. Nhưng Hảo cương quyết, nếu năm nay không đỗ thì sang năm thi tiếp, thi khi nào đỗ mới thôi...

Hai ngày trước khi nhập học, giấy báo trúng tuyển gửi về, Hảo hét lớn. Cô vội vàng bỏ việc đang làm, mặc bộ quần áo mới rồi đi khắp làng khoe kết quả vừa giành được.

Nhưng rồi mọi thứ chẳng phải như những gì Hảo mong muốn. Học được một năm, cô nhận thấy không phù hợp với sư phạm Văn nên quyết tâm thi lại. Năm 2015 cô trúng tuyển vào khoa Giáo dục đặc biệt của ĐH Sư phạm vì thích các hoạt động công tác xã hội.

Hết năm nhất, Hảo đi phỏng vấn và trở thành tình nguyện viện của một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Được 2 tháng, người quản lý gọi cô ra trước tất cả giáo viên khác và nói: "Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Vì nếu em đến sẽ 'lây' cho các con". Câu nói ấy khiến Hảo chết lặng... Cô không hiểu một tai nạn y học có thể lây bệnh cho những đứa trẻ bằng cách nào. Chưa dừng lại, người quản lý tiếp tục nói: "Tất cả phụ huynh đều không thích có mặt em ở trong trường vì sẽ làm con họ sợ".

Sau cú sốc đầu đời, Hảo một mình đạp xe lên cầu Vĩnh Tuy định nhảy xuống. Trèo lên thành cầu, Hảo nghĩ nhiều về bố mẹ - những người đã giành giật sự sống cho cô, rằng "chắc họ sẽ đau khổ lắm" khi cô chết. Trong phút chốc cô gái 21 tuổi bừng tỉnh: "Mình sẽ trở thành một kẻ thất bại, tồi tệ và bất hiếu nếu như nhảy xuống". Hảo trèo xuống, hét thật lớn rồi đạp xe về.

Hảo từng muốn tự tử, nhưng hiện tìm lại được niềm tin, sống mạnh mẽ.

Suốt một năm tiếp theo, Hảo chỉ đi học, lên thư viện, thêu tranh và nghe nhạc vì biết "dù có cố gắng đến đâu họ cũng không chấp nhận vẻ bề ngoài" . Cho đến một hôm tình cờ xem một chương trình truyền cảm hứng của Nick Vujicic, Hảo nung nấu mong ước trở thành một diễn giả, đứng ở vị trí cao nhất để truyền cảm hứng và hơn hết sẽ được mọi người công nhận... Hảo tham gia nhiều hơn các hoạt động tình nguyện, tiếp tục làm nghề giáo viên dù vẫn bị ám ảnh bởi những lời từ chối vì ngoại hình.

"Rất nhiều nơi săn đón, nhiệt tình mời mình đến phỏng vấn khi đã trao đổi qua điện thoại. Nhưng chỉ cần nhìn thấy mình trực tiếp, họ lại lắc đầu", Hảo kể.

Tốt nghiệp, cô gái trẻ làm việc ở một trung tâm dạy trẻ rối loạn tự kỷ tại quận Hai Bà Trưng. Mọi thứ Hảo đang làm đều vì mong muốn chinh phục ước mơ trở thành một nhà hoạt động xã hội.

Song hành với việc làm, Hảo tiếp tục đăng ký học thạc sĩ vì muốn bổ trợ kiến thức. Với Hảo việc này rất có ý nghĩa... Cô gái trẻ cảm thấy may mắn vì trong xã chỉ có 7 bạn khuyết tật, nhưng duy chỉ có cô học hết cấp 3, hai lần thi đỗ đại học và giờ là cao học.

Hảo trong các hoạt động vì cộng đồng.

Cách đây một năm, Hảo thành lập quỹ "Mầm và những người bạn" với mong muốn hỗ trợ những đứa trẻ kém may mắn có nguy cơ không được đến trường. Đến nay, quỹ Mầm đã giúp đỡ 5-6 đứa trẻ, với sự bảo trợ dài lâu để các con được đến trường, tìm kiếm con chữ.

Theo lời Hảo, do quỹ mới thành lập, nguồn tài trợ cũng không nhiều, đa phần cô trích tiền lương, kêu gọi bạn bè, người quen cùng chung tay để trao học bổng cho những hoàn cảnh kém may mắn. Có những học bổng 20 – 30 triệu đồng, nhưng đôi khi cô kêu gọi hỗ trợ được 100 – 200 triệu đồng cho những trường hợp bị ung thư hoặc tai nạn giao thông.

Là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, Hảo từng khao khát được đi thẩm mỹ để lấy lại sự tự tin, nhưng cuối cùng cô lại nhường cơ hội quý giá đó cho một bạn ít tuổi hơn mình. Cô biết, những điều trải qua đã giúp tôi luyện mình thành người không thể gục ngã.

Một lần khác, người đàn ông Hàn Quốc mà Hảo gọi là "ba nuôi" đã đưa cô qua Hàn để phẫu thuật. Sau khi biết vết bỏng đã quá lâu, khó có thể hoàn thiện, hành trình phẫu thuật có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, Hảo quyết định từ bỏ. Hảo muốn dành thời gian ấy để hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân.

Luôn đối diện mọi việc bằng thái độ sống tích cực nhất, Hảo xem đó là cách để tự bảo vệ bản thân khỏi những lời cay độc, những ánh nhìn từ mọi người xung quanh dù là ở quá khứ, thực tại hay tương lai.

Hảo kể, cô từng có một mối tình kéo dài 4 năm. Có một số người nghĩ lý do chia tay vì "đối phương không chấp nhận ngoại hình", nhưng ít ai biết người nói lời chia tay là Hảo. Mọi người có thể nói "có người yêu là tốt, sao còn kén chọn", nhưng Hảo tin rằng mọi chuyện đến và đi đều phải có duyên.

"Mình vẫn chờ một người bạn đời hiểu và đồng cảm với công việc thiện nguyện mà bản thân đang theo đuổi. Chỉ có thấu hiểu, tình yêu mới bền vững", cô nói.

Sắp tới, song hành với công việc giảng dạy trẻ đặc biệt và thiện nguyện, Hảo dự tính đăng ký thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết - cuộc thi dành cho người khuyết tật - để lan truyền những điều tích cực đến mọi người.

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ