Tôi nhớ nụ cười. Không phải theo cách được viết trong một poster lấy cảm hứng từ lời hát "[nếu bạn mỉm cười], cả thế giới sẽ cười với bạn". Tôi không nhớ nó, chỉ bởi, như một poster khác đã nói, thiếu nó tôi không thể tiếp tục "đe dọa những kẻ muốn hủy diệt mình". Tôi cũng không nhớ nụ cười chỉ vì nó giúp tôi trông rạng rỡ và quyến rũ; dù tôi đã mất tận 3 năm chỉnh răng, với 20 tháng chịu đau đớn đeo và thay đến 6 cái niềng - để ít nhất nó giúp nụ cười của tôi trông đẹp hơn hẳn so với trước đó.
Tôi nhớ nụ cười, vì nó là một trong những công cụ tiện lợi và hữu hiệu nhất trong chiếc ngăn kéo giao tiếp giữa người với người, và giờ đây nụ cười đã bị chiếc khẩu trang khóa lại. Mỉm cười đơn giản chỉ là một biểu cảm trên khuôn mặt: nó là sự vận hành của các khối cơ; có lúc chân thành, có lúc giả tạo để che giấu cảm xúc thật không tiện để lộ ra ngoài. Nhưng đã là con người, chúng ta đều có cơ chế tự nhận thức ngay khi mới chỉ sinh ra trên đời được tầm 42 ngày rằng, mỉm cười chính là cách thức hiệu quả để khiến người khác và chính chúng ta phấn chấn hơn. (Câu nói 'cả thế giới mỉm cười với bạn" thực sự có tác dụng với trẻ sơ sinh).
Khi lớn lên, con người tiếp tục rèn luyện cách sử dụng nụ cười trong giao tiếp và truyền tải thông tin, để thể hiện suy nghĩ và cảm xúc trong từng câu nói. Vậy mà giờ đây, đột nhiên, những kỹ năng mà chúng ta luyện tập hàng ngày bỗng trở nên vô dụng. Chúng ta mất đi một công cụ tiện lợi trong giao tiếp ngay trong hoàn cảnh cần thêm nhiều phương thức để kết nối hơn bao giờ hết.
Cách duy nhất để có thể tương tác với người khác mà không cười chính là liên lạc qua tin nhắn, hay trên mạng xã hội. Và cách thức này rất dễ gây hiểu lầm, bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy khuôn mặt, biểu cảm và lời nói trực tiếp của nhau. Phía sau màn hình máy tính hoặc điện thoại, mọi người sẽ băn khoăn với hàng tá câu hỏi, đại loại như: "Không biết đối phương có đang nhăn nhó với mình không? Họ có đang nghiến răng nghiến lợi khi nhắn tin với mình? Những gì anh/cô ta nói chỉ là trò đùa hay đang nhạo báng mình nhỉ?".
Theo Paula Niedenthal - một nhà tâm lý học quản lý phòng thí nghiệm Niedenthal Emotions tại Đại học Wisconsin-Madison, đã có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về biểu cảm khuôn mặt - có 3 kiểu cười chính: một là nụ cười bày tỏ sự phấn khích trước một sự kiện đáng ngạc nhiên hoặc phần thưởng lớn, ví dụ như khi ai đó bỗng gặp lại bạn cũ sau nhiều năm xa cách; hai là kiểu cười thể hiện thiện chí, hoặc ít nhất là để chứng minh mình an toàn với người đối diện, kiểu cười này có thể gọi là cười thân thiện; và cuối cùng là kiểu cười thể hiện sự thống trị, cao ngạo.
Công trình nghiên cứu của Niedenthal chỉ ra rằng rất khó để phân biệt giữa nụ cười thân thiện và nụ cười ngạo nghễ nếu người mỉm cười không để lộ phần dưới của khuôn mặt. Trong hoàn cảnh này, bạn sẽ phải dựa vào các manh mối khác để ứng phó. Niedenthal cũng đưa ra ví dụ minh họa về cách phân biệt nụ cười của người đối diện. Giả sử bạn dắt chó đi dạo, bỗng nó sủa khi thấy một người đi đường ngang qua. Chỉ cần một cái nhìn thoáng qua trên gương mặt của người qua đường (nếu người đó không đeo khẩu trang) cũng đủ để biết anh ta cười vì nghĩ rằng mình có thể dạy bảo thú cưng tốt hơn bạn, hay cười vì cảm thông với bạn, bởi con chó của anh ta cũng thỉnh thoảng ngốc nghếch như vậy. Tuy nhiên, nếu anh ta đeo khẩu trang, bạn sẽ khó phân biệt.
Nhà tâm lý học cũng dự đoán rằng khi đeo khẩu trang, con người có thể sẽ dựa vào ngữ cảnh nhiều hơn là biểu cảm khuôn mặt của người đối diện để suy đoán tình hình đang diễn ra, và từ đó tìm cách ứng phó. "Họ sẽ tưởng tượng ra một tình huống cụ thể nào đó trong đầu, rồi từ đó suy ra cách để phản ứng với thực tế. Và tất nhiên, điều này sẽ gây ra tai họa và khiến mọi người rơi vào rắc rối, bởi chúng ta có hàng trăm cách thức phản ứng khác nhau trước một tình huống nhất định".
Tôi từng cố bù đắp sự thiếu vắng nụ cười bằng việc bổ sung ngữ điệu cơ thể. Chẳng hạn khi tiếp cận người lạ trên đường, tôi muốn họ biết rằng tôi không có ý đồ xấu, và chỉ muốn chúc họ những điều tốt lành. Trong thời kỳ khó khăn này, thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến họ thực sự cần thiết. Nhưng tôi lại không thể biểu lộ nụ cười khi truyền đạt (vì đeo khẩu trang), do đó, tôi buộc phải vẫy tay, hoặc tạo dáng chào kỳ cục như kiểu mấy anh phi công quân sự hay làm. Hay trong tình huống phải nhường đường cho ai đó đi qua, và không thể tặng họ một nụ cười kiểu như "nhường anh/chị ra trước", hành động của tôi lúc đó chẳng khác gì một nhân viên máy bay sắp xếp tín hiệu (cảnh báo trực quan giữa nhân viên mặt đất và phi công trên sân bay). Và nó không có tác dụng, chẳng khác gì hai người nước ngoài nói chuyện mà không hiểu ngôn ngữ của nhau.
Việc mỉm cười không chỉ tác động tới người nhận, mà còn ảnh hưởng tới người trao đi. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng mỉm cười cải thiện tâm trạng, giúp chúng ta hồi tưởng quãng thời gian vui vẻ trong quá khứ. "Biểu cảm khuôn mặt không chỉ đơn giản là sản phẩm của não bộ, nó còn có có cơ chế phản hồi lại bộ não và thậm chí tác động tới những trải nghiệm mang tính chủ quan". Niedenthal nói. "Rõ ràng việc mỉm cười tự nhiên có ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của những người xung quanh". Nói cách khác, khẩu trang có thể khiến chúng ta ủ rũ và ảm đạm hơn.
Chẳng ai có thể yêu cầu mọi người mỉm cười, nhất là vào tình cảnh này. Vì vậy, tôi sẽ không làm thế. Nhưng tôi sẽ tiếp tục mỉm cười rạng rỡ, ngay cả khi người khác không thể nhìn thấy nụ cười của tôi qua lớp khẩu trang dày, và kể cả khi nụ cười đó không thực sự chân thật và tự nhiên. Dù sao thì, một nụ cười giả tạo khi được ban phát với mục đích tốt, cũng có công dụng như việc đeo khẩu trang không phải để che giấu điều gì, mà để bảo vệ sức khỏe của chúng ta.
Alexandra V dịch