Thứ ba, 8/9/2020, 21:00 (GMT+7)

Cháy rừng ở California: Hơi nóng biến cả bang thành lò thiêu

Ít nhất 8 người thiệt mạng, 3.800 công trình bị hư hại hoặc phá huỷ, diện tích cháy rừng vượt mức kỷ lục trên 800.000 ha.

California đang trải qua tình hình cháy rừng tồi tệ nhất. Đợt bùng phát mới do nhiệt độ cao đã phá huỷ nhà cửa, khiến khói bao phủ gần hết bang, buộc hàng nghìn người phải sơ tán và đe doạ mất điện trên diện rộng thêm lần nữa.

Hàng chục đám cháy rừng ở California đã thiêu rụi diện tích rừng kỷ lục. "Trong vòng 33 năm vừa qua, chúng ta chưa từng chứng kiến năm nào cháy rừng vượt trên 800.000 hecta như năm nay. Đây chắc chắn là con số kỷ lục mới, thậm chí tình trạng cháy rừng còn chưa đến giai đoạn kết thúc", người phát ngôn của Sở cứu hỏa lâm nghiệp của bang (Cal Fire), Lynne Tolmachoff, cho biết.

Ít nhất 7 người thiệt mạng, 3.800 công trình bị hư hại hoặc phá hủy. Hơn 14.100 lính cứu hỏa đang phải dập tắt 24 vụ cháy rừng khác nhau.

Một đám cháy bùng phát mới khiến phần lớn bang chìm trong khói lửa. Ảnh: AFP.

Một trong số đó là đám cháy Creek, bùng phát hôm 4/9 ở khu vực dốc và gồ ghề. Người dân Big Creek kịp chạy thoát khỏi trận cháy rừng cuối tuần qua cho biết, gần 20 ngôi nhà bị thiêu rụi. Trận cháy rừng ở Creek thiêu rụi 32.000 hecta rừng và chưa thể kiểm soát, theo Cal Fire.

Nettie Carroll (40 tuổi) - giáo viên dạy khoa học, người dân sống ở thị trấn này 16 năm nay - cho biết: "Chúng tôi mất nhà. Có vẻ như mọi thứ hoàn toàn cháy rụi".

Một đám cháy khác thiêu rụi 2.800 ha rừng ở San Bernardino sau khi một gia đình dùng máy tạo khói bằng lửa để thông báo về giới tính của em bé.

Người dân của Big Creek - nơi khoảng 200 cư dân sinh sống - phải trú nhờ ở khách sạn hay nhà của người thân. Những người sơ tán gửi cho nhau tấm hình của vụ cháy, tính toán xem giữ lại được gì. Trường học ở đây chỉ có 47 học sinh và bị hư hại nặng. Người dân cho biết nhà thờ, phòng cứu hỏa tự nguyện và bưu điện đều còn nguyên. Ngọn lửa buộc công nhân phải sơ tán khỏi dự án nhà máy thủy điện 1.000 megawatt Big Creek - nơi có thể cấp điện cho 650.000 hộ gia đình, cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất nước Mỹ với chức năng sản xuất và dự trữ điện.

Hiện vẫn chưa có thông tin gì về mức độ thiệt hại của nhà máy. Theo David Song - người phát ngôn của nhà máy thủy điện Edison - khi ngọn lửa bùng lên, một công nhân duy nhất của nhà máy ở lại để giúp lính cứu hỏa ở Trung tâm Cộng đồng Shaver Lake trước khi rời đi hôm 6/9 vì tình hình ngày càng xấu đi.

Cha và con chờ được sơ tán ở California ngày 7/9.Ảnh EPA.

Chris Donnelly - trưởng sở cứu hỏa ở thị trấn Huntington Lake gần đó - cho biết một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là có được thông tin cơ bản về mức độ phát tán của ngọn lửa, sức gió và thời tiết để có thể khống chế ngọn lửa.

5 cabin đã bị cháy ở Huntington Lake. Donnelly cho biết: "Không có sóng di động, cũng không dùng được điện thoại bàn. Trợ lý của tôi phải lái xe lên tận trên đồi để có sóng điện thoại. Rất khó để biết điều gì đang xảy ra".

Nhiệt độ cao kỷ lục trong ba ngày nắng nóng cuối tuần qua làm trầm trọng thêm tình trạng cháy rừng và đội cứu hỏa đối mặt với một ngày vất vả. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều bang bờ Tây khác của Mỹ. Một ngọn lửa thiêu rụi 70-80% những ngôi nhà ở thị trấn Malden, Washington, phía nam Spokane.

Nhiệt độ cao kỷ lục ở miền Nam California được dự đoán lên đến 43,3 độ. Các nhà khí tượng học cảnh báo người dân từ Los Angeles đến Vịnh San Francisco cần tự bảo vệ mình trước nắng nóng và không khí ô nhiễm. Tình trạng nắng nóng đe doạ mất điện trên diện rộng trong bối cảnh người dân bật điều hòa và đến trú tại những nơi có điều hòa. Nhu cầu điện ở nam California phá kỷ lục ở Edison - công ty sản xuất điện lớn thứ hai của bang.

Nằm trên dãy núi Sierra Nevada và gần hồ Shaver, nhà máy thuỷ điện Edison là nguồn sống của Big Creek. Công nhân sống trong nhà của Edison và đưa con đến trường ở địa phương, dạy từ mầm non đến hết cấp 2. Học sinh cấp 3 phải đi xe bus 90 phút để đến được trường gần nhất. Erik Larson, mục sư ở nhà thờ địa phương cho biết: "Giống như là quay về thập niên 50 vậy. Đây là một ốc đảo. Bạn đang ở trên núi. Đây là một nơi tuyệt vời".

Khi ngọn lửa đến gần hơn, Larson và gia đình sơ tán sáng 5/9 sau khi đã phát quang bụi rậm xung quanh ngôi nhà nơi họ sống và phun nước vào hiên nhà. Họ mang quần áo đủ cho 2 ngày vì ngọn lửa có vẻ không nguy hiểm lắm - nhưng sau đó mới biết nhà mình là một trong những công trình bị thiêu rụi. Larson cho biết: "Những người xung quanh chúng tôi đã tập trung lại. Chúng tôi không chắc chắn phải làm gì tiếp theo". Khu vực xung quanh là một địa điểm nghỉ hè nổi tiếng với nhà gỗ, khu cắm trại, cũng bị biến thành chảo lửa vào cuối tuần qua.

Một con chó ngồi cùng xe chở dụng cụ cắm trại khi chuẩn bị sơ tán ở California ngày 7/9. Ảnh: EPA.

Alec Ziff (26 tuổi) và Nick Meyers (32 tuổi) sống ở Santa Monica, đều đi cắm trại ở hồ tự nhiên Mammoth Pool vào cuối tuần để ăn mừng sinh nhật của Ziff. Nhưng chuyến đi biến thành 30 giờ chờ đợi được giải cứu vì bị tàn dư của vụ cháy ngáng đường.

Trực thăng quân sự hạ cánh tối 5/9 và sơ tán khoảng 200 người bị kẹt ở hồ. Do ưu tiên cho những người bị bỏng nên Ziff và Meyers ở lại với 15 người khác. Nhiều người bỏ lại đồ đến nỗi họ không lo lắng về thực phẩm hay nước uống. Song đến sáng 6/9, khói nhiều đến ngạt thở và đến chiều lại mất sóng điện thoại. "Tình hình của chúng tôi còn hơn cả bị kẹt", Ziff nói.

Đến tối, anh vui mừng khôn xiết khi thấy 3 người có đèn pin từ Lực lượng Kiểm lâm Mỹ đi xuống đồi từ bãi đỗ xe. Họ dọn đường rồi dẫn những người bị kẹt lên một chiếc xe và rời đi.

Ziff và Meyers sau đó đến một trung tâm Chữ thập đỏ ở Oakhurst và họ được ở tại phòng khách sạn. Họ đến nơi lúc nửa đêm và đúng ngày sinh nhật của Ziff. Đám người ăn mừng với vài chai bia và tắm. "Điều tuyệt vời nhất là được tắm vòi sen", Meyers nói.

Huyền Anh (Theo Nytimes, AFP)