Thứ ba, 8/9/2020, 10:10 (GMT+7)

Chàng trai ‘xương thủy tinh’ chuyển từ bán bánh rán sang nghề streamer

Hai chân co quắp không thể di chuyển, Nguyễn Minh Khang ngồi cố định ở một góc giường, tai đeo headphone, tay bấm chuột và bàn phím liên tục, miệng cười nói không ngừng. Khang đang stream game CS:GO.

Cậu thanh niên 22 tuổi, dáng người chỉ nhỉnh hơn cây máy tính một chút, lựa chọn nghề streamer gần nửa năm nay với mong muốn có một công việc ổn định sau khi Covid-19 khiến gánh hàng bánh rán của Khang bị gián đoạn.

Đi vay mượn để mua máy tính làm stream game

Khang tên thật là Hoàng Trung Nghĩa, sống cùng ông ngoại tại một căn nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ trên phố cổ Hà Nội. Mọi người quen gọi Trung Nghĩa là Khang bởi vì bố mẹ cậu bảo đổi tên như thế cho thêm may mắn, sau khi Nghĩa chào đời với căn bệnh xương thủy tinh.

Hồi mới lọt lòng mẹ, cu Nghĩa khóc rất nhiều, nhưng mọi người chỉ nghĩ đó là chuyện bình thường. Đến khi thấy thằng bé khóc liên tục không ngừng nghỉ, bác sĩ cho khám tổng quát mới biết xương đùi của Nghĩa bị gãy. Đưa đi xét nghiệm phát hiện cậu mắc bệnh xương thủy tinh.

Nguyễn Minh Khang dành dụm tiền trong 2 năm bán bánh rán để mua dàn máy tính stream game.

Khi ấy, cấu trúc xương của Khang "mềm như cọng bún", không va chạm cũng có thể gãy. "Ông kể lại hồi 2 - 3 tuổi, chỉ cần giật mình do tiếng bóng bay nổ hoặc một tiếng động to cũng làm mình bị gãy xương", chàng trai 22 tuổi nhớ lại.

Ký ức về thời thơ ấu của Khang là hơn 50 lần gãy xương và nằm chờ vết thương tự lành. "Bác sĩ nói bệnh của mình không bó bột được vì bó bột cũng không liền, xương gãy ở đâu thì phải để cho nó hồi phục theo cách tự nhiên. Nên bây giờ những chỗ bị gãy hình dạng không giống bình thường", Khang vừa nói vừa xoa cánh tay gồ ghề, chỗ hồi bé bị gãy vì "cầm chiếc thìa vẩy nhẹ một cái".

Để có thể ngồi vững, vận động nhẹ như bây giờ, Khang phải uống thuốc canxi theo tư vấn của bác sĩ trong vòng hơn 10 năm, sau bao lần gia đình chạy chữa không có tiến triển. Cậu thấy vui vì có thể tự làm vệ sinh cá nhân và những việc nhẹ nhàng mà không cần người thân phục vụ, dù cho đôi chân phải dựa vào xe lăn mới có thể di chuyển được.

Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, hai năm trước, Khang tự làm chủ một gánh hàng bánh rán ở trước cửa nhà trên đường Hàng Chiếu. Nhưng dịch bệnh bùng phát đầu năm nay khiến cậu trai trẻ phải tính đường khác mưu sinh. Được ông ngoại ủng hộ, Khang tích góp ít tiền và đi vay mượn thêm để đầu tư một dàn máy tính 24 triệu đồng. Từ đây, cậu bắt đầu rẽ sang con đường stream game.

"Mình rất thích chơi game, vì hồi bé, bố mẹ thấy mình bị như thế, ở nhà không có gì làm nên cho mình đọc truyện, chơi game nhiều", Khang kể. Mãi cho đến những năm gần đây, nghề streamer mới phát triển ở Việt Nam, Khang có thêm mục tiêu để hướng tới.

Khang dành khoảng 5 tiếng mỗi ngày để stream. Khi mới bắt đầu, Khang gặp không ít khó khăn nhưng sự đả kích từ người dùng mạng xã hội là điều khiến cậu ấm ức nhất. "Họ mỉa mai ‘đã què còn nghiện game’, ‘suốt ngày lên mạng chém gió luyên thuyên, ăn bám bố mẹ’... Mình từng nghe trực tiếp những lời nói tệ hơn thế nên câu chữ ở trên mạng dần trở nên bình thường", Khang chia sẻ. Cậu cho rằng quan trọng là bản thân cứ tiến lên, rồi mai mốt cũng có người yêu mến.

Vượt qua khoảng thời gian khó khăn, Khang đón nhận những phản ứng tích cực đầu tiên từ người dùng. Từ 20, 30 view hồi đầu, đến 50 view và lần tăng vọt lên 200 người xem cùng lúc khiến chàng trai trẻ "thích lắm". Khang định hướng phát triển kênh stream "Khang Bánh Rán" theo hướng thân thiện và vui vẻ cho người xem; đồng thời học tập, theo dõi người đi trước để trau dồi thêm kỹ năng.

Niềm vui lớn nhất bây giờ của Khang là mỗi ngày thức dậy và bật màn hình nói chuyện với mọi người. "Cứ nghĩ đến có người mong đợi mình live stream, mình cảm thấy điều bản thân đang làm là đúng, và cứ tiếp tục, chắc chắn sau này sẽ có những thành quả mình mong muốn", Khang nói.

Hiện, mỗi tháng, Khang nhận được khoảng 100.000 – 200.000 đồng tiền donate. Thu nhập chẳng đáng là bao so với bán bánh rán ngày trước, nhưng có việc để làm và kiếm ra tiền trong thời điểm khó khăn này cũng khiến cậu vui vẻ mỗi ngày.

19 tuổi, háo hức trong lần đầu tiên đi học

Tuổi thơ của Khang là những ngày tháng nằm rồi lại ngồi một chỗ. Lần di chuyển xa nhất là theo bố mẹ vào Sài Gòn làm việc hồi năm 2003. Cậu bé Khang 5 tuổi khi ấy quá yếu. Sợ con đi học bị các bạn đụng vào làm gãy xương, mẹ Khang quyết định thuê gia sư về dạy. Vài năm sau kinh tế gia đình đi xuống, mẹ ở nhà kèm em tự học.

Lúc ấy nhận biết về thế giới bên ngoài quá ít, cậu bé Khang không thắc mắc vì sao trẻ con phải đến trường. Khang chỉ buồn khi thấy mấy đứa trẻ hàng xóm được đi đá bóng, chạy nhảy ở ngoài đường, còn mình phải ở trong nhà mãi.

Chưa từng được đào tạo qua trường lớp, kiến thức của Khang chỉ dừng lại ở biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia. Được bố mẹ rèn cho khả năng đọc, Khang say mê với những trang sách và truyện thiếu nhi. Cậu còn tự học tiếng Anh bằng cách xem hoạt hình có phụ đề. "Thấy nhân vật phát âm như thế nào thì bắt chước như vậy", Khang nhớ lại.

Yêu thích nhạc rap, Khang từng đăng ký tham gia chương trình King of Rap.

Đến năm 2011, Khang lại theo bố mẹ ra Hà Nội. Khi ấy, cấu trúc xương cơ bản đã ổn định hơn rất nhiều nên cậu không thường xuyên bị gãy nữa. Khang có thể tự lái xe lăn, ngồi sau xe máy dễ dàng. Năm 2017, cậu xin gia đình học nội trú ở trung tâm Nghị lực sống cách nhà 25 km.

Lần đầu tiên đi học, bố cùng ông đưa Khang đến trường, cậu học sinh 19 tuổi cảm thấy thú vị và đầy tò mò khi đến một môi trường mới chưa từng trải nghiệm bao giờ. Trong ba tháng xa nhà, học tập và ăn ngủ cùng với nhiều người có hoàn cảnh giống mình, Khang rất vui và hạnh phúc.

Khoảng thời gian đó giúp Khang trau dồi thêm kỹ năng sống và kiến thức về máy tính. Nhưng chỉ đến khi tự mình làm ra những đồng tiền đầu tiên, cậu trai trẻ mới dần trút bỏ sự tự ti. "Ngày xưa mỗi lần thấy mọi người nhìn mình chằm chằm như kiểu sinh vật lạ, vài người tỏ ra không thích khiến mình rất buồn", Khang nhớ lại.

"Mình cảm thấy tự hào vì có thể tiêu tiền mình kiếm ra", cậu nói. Trong tương lai, mục tiêu lớn nhất của Khang là đưa ông ngoại và bố mẹ đi du lịch. Sau đó dành dụm tiền để cho hai em gái vào một trường đại học tốt. "Mình muốn gửi gắm hai em những điều mình không thể làm được và về sau có thể thay anh trai lo cho bố mẹ", Khang nói.

Châu Vũ

Ảnh: NVCC