Chủ nhật, 15/8/2021, 09:00 (GMT+7)

Chàng sinh viên tái hiện nhà nổi miền Tây trong bể thủy sinh sống động như thật

Đam mê chơi bể thủy sinh, Thạch Dương tự tay dựng nên những tiểu cảnh mô phỏng nhà ở miền sông nước cho bể cá.

Nhiều năm nay, Vũ Thạch Dương (21 tuổi, ở Hải Dương), sinh viên Cao đẳng nghề Hải Dương, đã quan tâm đến thú chơi bể thủy sinh. Do chưa tự lập về kinh tế, việc chơi những bộ tiểu cảnh đắt tiền vượt quá khả năng chi tiêu, cậu quyết định tự tay làm một mô hình tái hiện những ngôi nhà trên sông theo phong cách riêng.

"Do làm tiểu cảnh trang trí cho bể cá, mình nghĩ các mô hình nên gắn liền với sông nước nên đã quyết định làm nhà nổi miền Tây. Bản thân mình cũng thích ngắm những ngôi nhà xưa, chúng mang đến nhiều ký ức tuổi thơ mà khi lớn lên sẽ dần bị thay thế, mình muốn phục dựng và lưu lại những ký ức đẹp với người xem", Dương nói.

Một vài mô hình nhà nổi miền Tây được Thạch Dương thực hiện.

Chàng trai 21 tuổi chưa có cơ hội đến miền Tây và tận mắt quan sát các ngôi nhà nên đã tham khảo hướng dẫn trên mạng kết hợp với trí tưởng tượng. Tháng 6/2021, cậu bắt tay vào thực hiện mô hình đầu tiên. Sau 4 - 5 ngày tự mày mò, sản phẩm đầu tay đã được hoàn thiện nhưng còn nhiều thiếu sót.

Từ đó đến nay, sau nhiều lần rút kinh nghiệm, các sản phẩm của Dương ngày càng đa dạng, phong phú, thể hiện được nhiều nét độc lạ hơn.

Thạch Dương trong quá trình dựng các mô hình.

Nguyên vật liệu dựng nhà cũng rất đơn giản, dễ kiếm gồm que kem (que đè lưỡi), các tấm Fomex nhựa thừa xin từ cửa hàng quảng cáo, thùng bìa carton, que gỗ, keo 502, đất nặn và màu vẽ.

"Mình muốn sản phẩm được làm ra không chỉ đẹp mà còn tận dụng từ chính những món đồ bỏ đi, thay vì mua mới", Dương nói.

Bước đầu tiên để dựng nhà là lấy que đè lưỡi gắn lên các thanh formex giúp cố định sàn và tường, sau đó dùng keo 502 kết hợp giấy ăn mỏng làm chất kết dính giúp các mối nối gắn chặt hơn.

Tiếp đó, Dương tận dụng lớp sóng ở phần giữa của bìa carton để tạo lớp giả tôn gắn lên phần mái, dùng que gỗ đã được bọc sẵn nilon, cuốn chặt bằng băng dính, làm chân cột giúp chống thấm nước.

Sau khi tô mô hình bằng màu nước sao cho trông giống thật nhất có thể, Dương dùng đất nặn và vải thừa để làm chi tiết nhỏ trang trí bên ngoài ngôi nhà.

Với Dương, tô màu sao cho giống thật là phần khó nhất bởi nếu pha màu không chuẩn, phân bổ không đúng, không thể nào thấy rõ được sự cũ kỹ, nhuốm màu thời gian của từng ngôi nhà.

Sau khi sản phẩm đầu tiên hoàn thiện, chàng trai 21 tuổi đã chia sẻ lên các group thủy sinh, tiểu cảnh và nhận được nhiều lời khen ngợi. Như có thêm động lực, Dương thử làm một bộ mô hình nhà ở xập xệ liền kề và nhận được sự quan tâm của nhiều người ở trong nước lẫn quốc tế.

Sản phẩm mới vừa được Thạch Dương hoàn thiện vào tháng 8/2021.

"Vì thích nên mình làm việc bất kể ngày đêm, nhiều khi nghĩ làm một lúc rồi nghỉ nhưng nhìn đồng hồ đã đến 2 - 3h sáng. Bắt tay vào làm là chẳng muốn nghỉ, chỉ mong nhanh chóng nhìn được sản phẩm hoàn thiện. Ban đầu mình định chia sẻ lên các hội nhóm làm kỷ niệm, nhận thêm lời góp ý để hoàn thiện sản phẩm nhưng không ngờ được mọi người yêu thích đến vậy. Không ít người còn nói mô hình của mình đã giúp họ nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu", Dương tâm sự.

Trước khi làm mô hình thủy sinh, bản thân anh chàng chưa từng học vẽ hay các môn liên quan đến hội họa. Dương được mọi người xung quanh đánh giá có trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo khá tốt từ khi còn nhỏ.

Hiện các sản phẩm của Dương rất đa dạng, từ nhà đơn cho đến dãy nhà ven sông, thời gian hoàn thiện từ 2 ngày cho đến vài tuần tùy loại.

"Từ lúc thiết kế mô hình cho đến nay, rất nhiều người đã ngỏ ý hỏi mua, mình cũng đồng ý bán để kiếm thêm chút thu nhập trong mùa dịch. Tùy vào từng mô hình, như nhà đơn có giá 300 - 450 nghìn đồng, những sản phẩm to, nhiều chi tiết sẽ có giá cao hơn", Dương tiết lộ.

Thời gian tới, Thạch Dương sẽ tiếp tục làm thêm mô hình nhà ở để trang trí cho bể thủy sinh theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng vẫn tập trung vào cuộc sống bình dị, dân dã của người dân.

Thúy Quỳnh
Ảnh: Vũ Thạch Dương