Thứ ba, 10/8/2021, 07:00 (GMT+7)

Câu chuyện đẫm nước mắt của một nạn nhân buôn người

Trung QuốcTrong nhiều năm, Ling Dong, người đàn ông bị bắt cóc khi mới 4 tuổi, oán trách gia đình ruột vì đã bỏ rơi mình.

Trong nhiều năm, Ling Dong (đã được đổi tên) không muốn tìm bố mẹ đẻ. Năm 1999, anh bị bắt cóc ở Thượng Hải khi bà không để ý. Mới 4 tuổi, anh bị đưa sang Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ở bên kia đất nước. Giống như hàng nghìn trẻ em Trung Quốc khác, anh bị bán cho những gia đình hiếm muộn hoặc không có con trai.

Nhưng khi lớn lên, Ling được bảo rằng bố mẹ ruột đã bỏ rơi và bán anh. Ling nung nấu niềm thù hận với họ. Trong những năm gần đây ở Trung Quốc, hàng nghìn nạn nhân vẫn đang cố gắng tìm bố mẹ đẻ với sự giúp đỡ của cơ sở dữ liệu DNA quốc gia. Nhưng Ling cảm thấy không thấy cần thiết phải tìm kiếm, mãi cho đến năm 2019, khi sự tò mò thôi thúc anh.

Ảnh: Sixthtone.

Ling chia sẻ câu chuyện của mình.

Tôi bị bắt cóc vào mùa thu năm 1999. Tôi chỉ nhớ mình được một người đàn ông đưa đến Quảng Tây, đầu tiên là bằng tàu hỏa, sau đó bằng thuyền, rồi cuối cùng là được cõng lên núi. Ông ta dùng một chiếc lá to để lấy nước cho tôi uống. Khi tôi khóc, ông ta chơi trốn tìm với tôi và nói rằng cảnh sát sẽ bắt nếu tôi không im lặng. Tôi đến một nơi hẻo lánh, nơi "bố và mẹ" đang đợi sẵn. Có nhiều dòng sông nhỏ, núi, cây và gà vịt. Ngôi nhà tôi sống từ nhỏ không có những thứ đó, vậy nên tôi vừa sợ vừa tò mò.

Một lần, tôi làm vỡ bình hoa ở nhà, "mẹ" mắng tôi là đồ phiền phức và không muốn tôi ở đây nữa. Trong một vài tháng, họ có con riêng, và đưa tôi cho gia đình hiện tại. Mùa đông năm đó, tôi rời ngôi nhà nuôi đầu tiên, rồi ngủ với "bà" ở nhà mới. Có đêm, tôi muốn đi tiểu nhưng không dám nói gì. Bà nhận ra được mong muốn của tôi và từ lúc đó, tôi thấy an toàn khi ngủ với bà. Bà giữ cho chân tôi ấm. Không lâu sau khi tôi đến, "bố mẹ" mới bắt tôi học làm việc nhà. Tôi bắt đầu nấu cơm, và một lần tôi lén bỏ một quả trứng vào nồi cơm sắp chín. Quả trứng chín dở tràn lên mặt cơm. Bố nuôi không cho tôi ăn tối đó và bắt tôi ngủ trong chuồng lợn. Chị gái nuôi lén lấy thức ăn và nặn thành viên cho tôi, nói rằng: "Ăn đi em trai. Đêm sẽ qua và trời sẽ sáng. Đừng ăn trứng, để bán đấy".

Một lần khác, tôi muốn ăn bánh quy. Chị gái lấy 10 tệ của bố để mua cho tôi. Tôi không muốn ăn hết luôn nên thi thoảng lấy ra, vừa ăn vừa cười. Tôi luôn hỏi chị muốn làm gì khi lớn lên. Chị nói muốn ăn ngon mặc đẹp. Giờ đây, cứ vài năm tôi mua cho chị vài bộ váy. Chị là người bảo vệ tôi khi còn thơ ấu, trong tim tôi, chị như một người mẹ. Đôi khi tôi cũng thương xót bố mẹ nuôi, nghĩ rằng họ chắc chắn rất mệt vì làm việc ngoài đồng. Họ không thể hiện nhưng tôi biết họ có yêu thương mình. Khi tôi ốm, họ cho tôi tiền để mua thuốc từ thầy lang trong làng. Khi tôi bị bắt nạt, mẹ nuôi sẽ can thiệp và tức giận thay tôi. Nghĩ rằng tôi không đủ thông minh, bà bảo tôi lần sau trốn đi.

Quang cảnh ngọn đồi nơi Ling Dong thường dành thời gian một mình khi ở nhà bố mẹ nuôi.

Tôi không thích đi học lắm. Nghỉ hè năm lớp 2, tôi đi bơi ở ao dù không được phép vì không an toàn. Khi bố nuôi đến, tôi sợ hãi. Tôi biết không thể trốn. Ông ấy không mắng tôi ngay tại đó, nhưng lấy hết quần áo và nói: "Đừng có ăn nữa, chơi cho chán thì thôi". Nhưng lòng tự trọng của tôi bị tổn thương. Khi có người đi qua, tôi khom mình dưới nước để che cơ thể. Tôi ngồi dưới nước rất lâu, chân và tay tôi bủn rủn. Cuối cùng, khi trời sắp tối, tôi bắt đầu khóc. Khi đó tôi ghét bố mẹ đẻ, nghĩ rằng họ bỏ rơi tôi để tôi khổ sở như thế. Đó là lần đầu tôi nghĩ đến tự tử - nhưng mọi dũng khí biến mất. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài về nhà, đầu cúi gằm xuống.

Dù tôi có ngoan ngoãn hay không, bố mẹ nuôi thường nói rằng bố mẹ đẻ không muốn tôi. Trong tim, tôi đồng ý với họ, và tôi sợ rằng một ngày họ cũng sẽ gửi tôi đi. Cho đến khi 8 tuổi, tôi có thể nấu được nhiều món, cho gà vịt ăn, cắt cỏ cho bò. Tôi rửa bát, thu quần áo. Tôi nhìn mặt là biết bố mẹ nuôi muốn gì.

Đến năm lớp 5, tôi bỏ học để đi chăn bò. Mỗi khi thấy chán, tôi đi đến một hầm mộ cổ ở sau núi và bí mật viết nhật ký, vẽ tranh - những điều mà tôi tưởng tượng về mẹ ruột, ở một nơi rất xa. Tôi ghét bà, nhưng cũng nhớ bà. Tôi nghĩ rằng bà chắc hẳn rất xinh đẹp, và tự hỏi rằng liệu mình có giống bà ở đặc điểm nào không.

Lớn lên mà không có bố mẹ

Khi 15 tuổi, tôi bắt đầu đi làm với một người đàn ông trong làng, chuyển gạch, trộn xi măng và bê cát. Sau khoảng 6 tháng, ông chủ thấy tôi chăm chỉ nên cho tôi học lái máy xúc để sau này tìm được nhiều việc làm hơn. Khi làm việc, tôi cảm nhận được sự tự do khi rời gia đình, được trả tiền hàng tháng, và ăn thứ mình muốn. Tôi thi thoảng nghĩ về bố mẹ ruột một cách cay đắng - ngay cả khi không có hai người, con vẫn có việc, con đã trưởng thành, và con kiếm được tiền. Nhưng khi những người cùng làm được về nhà, bố mẹ họ sẽ gọi điện và gửi đồ ăn cho họ. Bố mẹ nuôi chỉ gọi lúc có lương để hỏi khi nào tôi có tiền. Họ sẽ nhắc tôi mang tiền về nhà và bảo tôi mua bất kỳ thứ gì họ muốn. Tôi chỉ có thể giữ một phần nhỏ làm quỹ đen và phải nộp hết phần còn lại cho họ. Năm 18 tuổi, tôi tự xây một cái chòi nhỏ ở sau núi và thường ngồi ở đó rất lâu, nghĩ rằng mọi thứ có thể tốt hơn và tôi không thua kém ai.

Ngôi nhà nhỏ Ling Dong xây dựng.

Một lần, tôi vô tình xem được chương trình "Chờ đợi con" trên CCTV. Một bà mẹ tên Zhang Xuexia tìm con mình. Chồng bà không thể chịu được và đã tự tử, để lại một dòng chữ: "Tất cả tôi muốn là con trai mình". Tôi bắt đầu thắc mắc rằng: Có phải tôi cũng bị bắt cóc không? Nhưng lúc đó tôi ngay lập tức đổi ý: chắc chắn tôi bị bỏ rơi. Dân làng từng nói: "Bố mẹ cháu bán cháu cho người khác, và có thể họ có đứa con khác, họ chắc không muốn cháu rồi. Bố mẹ của cháu ở đây nuôi nấng cháu, cháu phải đối xử tốt với họ".

"Bà" thường nói với tôi rằng nếu ai đó sinh con nhưng không muốn nuôi, đứa trẻ có thể trả ơn họ bằng cách cắt một ngón tay - đó là công sinh đẻ. Nếu ai đó không sinh ra đứa trẻ nhưng vẫn nuôi nó, đứa trẻ chỉ có thể trả công bằng cách tự chặt đầu mình. Bà lo rằng một ngày tôi sẽ đi mất nên bà cho tôi một hình mẫu: một gia đình khác cũng nuôi nấng một bé gái bị bỏ rơi, và cô bé cực kỳ hiếu thảo. Để bày tỏ lòng chung thủy với bố mẹ nuôi, cô bé không thèm nhìn mặt bố mẹ đẻ khi họ đến tìm.

Trong mấy tháng trước khi bà qua đời, tôi là người cho bà ăn 3 lần một ngày, tắm và mặc quần áo cho bà. Vào đêm bà mất, tôi tắm cho bà và cho bà ăn cháo loãng. Bà lúc đó vẫn minh mẫn, nói rằng bà không trông mong gì hết, chỉ muốn tôi hết mình vì gia đình và cuối cùng gia đình nuôi cũng thành gia đình ruột của tôi. Tôi chấp nhận số phận - họ đã nuôi tôi khi tôi còn nhỏ, tôi sẽ chăm sóc cho họ khi về già. Giữa đêm, bà qua đời trong vòng tay tôi. Ngay trước khi ra đi, vì không thể nói được, bà chỉ vào bàn thờ và bát hương tổ tiên, ý rằng muốn tôi thực hiện tâm nguyện của bà.

Một tấm áp phích tìm kiếm trẻ bị mất tích.

Tang Weihua

Khi tôi xem livestream của Tang Weihua - một phụ nữ có con bị bắt cóc - tôi đang ở thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời. Tôi sợ rằng mình thực sự đã bị bỏ rơi và bố mẹ chưa bao giờ tìm tôi. Mỗi khi Tang livestream, tôi sẽ trốn bố mẹ nuôi và xem ở sau đồi. Vào lúc đó, tôi được cho vào trong nhóm vì có thể là con trai thất lạc của Tang. Nhờ quản trị viên, tôi kết nối được với Tang qua tin nhắn. Tôi cứ thế kể cho bà nghe về tuổi thơ tôi và bà ấy nói điều gì đó kiểu như, "Đừng sợ, con trai, mẹ đây rồi". Lớn lên, tôi chưa từng được ai gọi như vậy. Chúng tôi nhắn tin đến khuya. Tôi nhờ bà hát cho tôi một bài trên livestream hôm sau. Bà bận hôm đó nhưng vẫn hát cho tôi khi livestream. Rồi, mỗi ngày sau đó, bà và tôi sẽ chat lúc đêm muộn trên WeChat. Bà kiên nhẫn an ủi và cũng nhẹ nhàng bảo tôi lấy mẫu xét nghiệm máu.

Ngay sau đó, bố mẹ nuôi bắt đầu thấy tôi thay đổi. Họ cấm tôi xem livestream. Ngày hôm đó, mẹ nuôi và tôi cãi nhau. Tôi đang không vui, uống nhiều rượu và chạy đến sau núi để xem livestream của Tang. Tôi vấp và ngã đập đầu khiến dân làng phải đưa đến bệnh viện. Ngày hôm đó, mẹ nuôi tôi bắt đầu theo dõi sát sao, tịch thu điện thoại và chặn Tang trên WeChat. Khi nằm viện, tôi nghĩ về việc chia sẻ câu chuyện với gia đình nuôi của mình. Ai đó trên mạng nghi vấn rằng liệu Tang có bịa ra tôi để thu hút người xem không. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi viết một bức thư để Tang đọc trên livestream. Nhờ lá thư, một số người còn chắc chắn hơn rằng tôi không có thật, bịa chuyện kịch tính để người khác thương hại. Cũng có nhiều người cảm động, và không vui vì cách hành xử của bố mẹ nuôi tôi: "Mua một đứa trẻ nhưng không yêu thương nó? Thế thì tại sao lại mua?".

Người dùng mạng khuyên tôi lấy máu xét nghiệm để tìm gia đình thật của mình. Nhưng tôi lo cho bố mẹ nuôi, sợ rằng họ sẽ buồn và sẽ có khoảng cách giữa chúng tôi sau khi họ biết được. Tôi cũng sợ dân làng sẽ biết và rủa tôi là vô ơn. Cuối cùng tôi quyết định vẫn lấy máu, chỉ để chứng minh cho bố mẹ đẻ rằng 21 năm sau, không có họ tôi vẫn trưởng thành. Tôi vẫn day dứt và có cảm giác lẫn lộn về họ. Tôi cực kỳ muốn biết về họ, muốn gặp và trực tiếp đối chất với họ.

Một vài ngày sau khi lấy máu, Tang đến Quảng Tây. Mẹ nuôi tôi phản đối chuyện Tang gặp gỡ tôi, nhưng bà chưa biết về chuyện mẫu máu. Bà bắt tôi hứa chắc chắn không tìm gia đình thật. Tang muốn gặp tôi trong vài ngày cuối ở Quảng Tây, nhưng bố nuôi theo dõi tôi rất kỹ. Ông còn theo tôi đến chỗ làm. Đêm hôm đó, tôi dự định lái máy xúc đến huyện khác để gặp Tang sau giờ làm. Nhưng bố nuôi đi theo và bắt tôi quay đầu, ông đâm vào ô tô để đe dọa. Sau đó chuyển thành đánh nhau và tôi không có lựa chọn nào khác ngoài quay đầu. Sau đó, tôi càng quyết tâm gặp Tang hơn khi bà đến Liễu Châu. Nhưng mẹ nuôi của tôi suy sụp và uống thuốc sâu. Ngày thứ 4 bà nằm viện, tôi được thông báo rằng sau hai lần đối chiếu, DNA của tôi trùng với một cặp đôi ở Chiết Giang, nằm ở phía nam Thượng Hải.

Ngày đoàn tụ

Sau khi kết quả trùng khớp, tôi không nói chuyện hay gặp họ hàng ruột ở Chiết Giang, chứ chưa nói gì đến đoàn tụ. Tôi đã chịu đau khổ nhiều vì bà ruột không để ý tôi - tôi lấy mẫu máu chỉ để tìm sự thật và trả thù. Vào lúc đó, tôi ở bệnh viện để chăm mẹ nuôi. Bệnh viện và tình nguyện viên đến khuyên tôi liên lạc với gia đình ruột, nhưng ý chí của tôi mạnh mẽ hơn. Gia đình ruột của tôi không bỏ cuộc, họ gửi cho tôi loại quả tôi thích khi còn bé. Bà và chú tôi lái xe từ Chiết Giang đến Quảng Tây. Bà tôi rất muốn gặp tôi, nhưng tôi từ chối.

Sau một vài ngày canh cánh trong lòng, trái tim tôi bình tĩnh lại. Tôi nghĩ mình phải đuổi bà già này về nhà, nếu không tôi sẽ không thanh thản. Tôi gặp bà trong một văn phòng nhà nước. Có lẽ sợ rằng sẽ làm tôi sốc, bà nén lại nước mắt và cố kiềm chế ôm tôi. Tôi không nhìn trực tiếp vào bà. Họ nói với tôi rằng bố mẹ ruột của tôi rất đau khổ và liên tục tìm kiếm tôi. Mẹ tôi qua đời sớm, còn bố tôi mất 4 tháng trước khi chúng tôi gặp nhau. Khi nghe chuyện này, tất cả gánh nặng trong lòng tôi sụp xuống. Tôi ngồi xuống đất và không để ai lại gần. Sau bữa tối, tôi đến Chiết Giang với bà và chú. Cả quãng đường, tôi không nói lời nào. Khi đến quê, họ hàng ra chào đón tôi, đánh cồng và trống, bắn pháo hoa. Mọi người đến vạch tóc và xem tay tôi, kiểm tra gương mặt để kiểm chứng. Tôi lần đầu nhìn thấy quần áo mình mặc khi còn nhỏ, cũng như chiếc ghế và bàn chải nhỏ.

Tinh thần mẹ ruột tôi thay đổi liên tục từ tốt sang xấu kể từ khi tôi bị bắt cóc. Đôi khi bà ra ngoài mấy ngày không về, và bố tôi phải mang hai bức ảnh để đi tìm, một của tôi và một của bà. Bà qua đời khi em gái tôi mới vài tuổi, để lại cho tôi hai bức ảnh mà bố giữ cho tôi. Em gái tôi được gửi cho bà nuôi. Bố tôi đi làm xa nhà để gửi tiền về, và cũng để tìm kiếm tin tức về tôi. Còn về cách họ tìm tôi, bà không nói nhiều. Bà và em gái ở bên cạnh tôi ngày hôm đó, và mặc dù họ không dễ dàng khóc trước mặt tôi, tôi thực sự cảm thấy mình đang ở nhà.

Những thành viên gia đình này là những người thân cận nhất với tôi, và mọi hành động của họ khiến tôi cảm thấy hơi ấm mà tôi chưa từng thấy ở nhà nuôi. Bà nói rằng phải cho tôi ăn bữa đầu tiên ở nhà, và em gái tự tay cho tôi uống trà sữa. Họ làm hải sản mà tôi chưa từng được ăn ở nhà nuôi, bao gồm tôm khô và ốc nhồi - đặc sản địa phương. Tôi hiếm khi được ăn những thứ như thế này và còn không biết ăn ốc. Mặc dù có chút không thoải mái, ở phần mềm yếu nhất trong tim mình, tôi cảm động vì tình yêu của họ. Đêm hôm đó, ở căn phòng nơi tôi ngủ lại, bà kê sofa để canh tôi, nói rằng bà sợ tôi lại bị bắt lần nữa. Sau khi tôi thiếp đi, bà bí mật vá lỗ thủng trên chiếc quần jeans rách của tôi. Bà có cuộc sống khó khăn sau khi tôi bị bắt cóc ngay trước mắt. Bà từng nói không dám chết mà chưa gặp lại tôi. Chú tôi cũng bị ảnh hưởng bởi vụ tôi bị bắt cóc. Cùng bà, chú dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, và không kết hôn cho đến khi ngoài 40 tuổi.

Món súp mà bà của Ling Dong nấu cho anh.

Tổ tiên

Vì tôi bị bắt cóc, gia đình ngừng làm giỗ cho tổ tiên, xấu hổ vì cháu đích tôn mất tích. Vào ngày đoàn viên, bàn thờ tổ tiên cất giữ sau 21 năm được mang ra giữa nhà, tôi trịnh trọng vái trước bát hương. Sau đó, tôi đến mộ bố mẹ và thắp hương. Tôi thấy tội lỗi. Tôi đã đổ lỗi cho bố mẹ đẻ trong quá nhiều năm, nhưng tôi biết rõ về chương trình "Chờ đợi con" và về cơ sở dữ liệu quốc gia lấy mẫu máu miễn phí cho người dân. Tôi chỉ cách bố mẹ một giọt máu. Nếu tôi lấy máu sớm hơn, tôi đã có cơ hội gặp bố.

Còn với gia đình nuôi, bí mật đã lộ. Họ biết mọi thứ và bắt đầu ép tôi quay lại ngay. Tôi bị kẹt ở giữa. Mẹ nuôi còn dọa đến Chiết Giang để lôi tôi về. Tôi không muốn làm bà nội phiền lòng. Tôi trấn an mẹ nuôi hàng ngày rằng tôi sẽ nuôi bà khi bà về già, tôi sống trong gia đình đó 21 năm và có nhiều tình cảm không thể cứ thế mà biến mất.

Năm ngoái, bà nội gọi tôi về nhà ăn Tết. Tôi nói rằng mới cưới và theo lệ là tôi phải đến thăm cả họ nhà nuôi ở Quảng Tây. Tôi sẽ nói chuyện với họ để tìm cách sắp xếp. Bà tôi im lặng một giây rồi nói: "Đừng về nữa. Mọi người vẫn ổn". Cuối cùng, tôi thỏa hiệp. Vào ngày giao thừa, tôi đến Chiết Giang để ăn bữa cơm tất niên và đón năm mới với bà, em gái và chú. Sau đó tôi đi Quảng Tây từ 2 giờ sáng và đến nơi vào chiều mùng 1. Tôi thật sự muốn tốt cho cả hai bên.

Bữa ăn đoàn tụ với gia đình ruột của Ling Dong ở tỉnh Chiết Giang, tháng 2/2021.

Tôi nhớ bố mẹ ruột và đôi khi tôi nhắn cho tài khoản WeChat cũ của bố tôi để nói rằng tôi đang làm gì, đang nghĩ gì. Trước ngày giỗ bố, tôi gửi một tin nhắn: "Bố, mai là ngày bố rời xa chúng con, một năm rồi. Mặc dù chúng ta chưa gặp nhau lâu rồi, chúng ta sẽ không bao giờ quên nhau, phải không? Con muốn nói với bố rằng mặc dù chúng ta đau khổ trong quá khứ, từ bây giờ trở đi bà và em sẽ ổn. Vì con đã ở đây rồi. Hãy yên tâm rằng con sẽ về nhà thường xuyên, và con sẽ chăm sóc bà và em. Con sẽ cho em sống như công chúa, con sẽ cố gắng hết sức để biến tổ ấm của chúng ta thành tổ ấm mới".

Tôi tin rằng mặc dù bố mẹ không còn ở đây, họ cảm nhận được sự thay đổi bên trong tôi.

Xem thêm: Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của người bố 24 năm chạy xe, giăng áp phích tìm con

Huyền Anh (Theo Sixthtone)