Thứ ba, 15/6/2021, 00:00 (GMT+7)

Cặp vợ chồng trẻ bỏ cả Sài Gòn và Hà Nội để 'kết thân' với Đà Lạt

Rời Hà Nội sau 4 năm đại học, An và Mai chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp nhưng sau 5 năm, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, cặp đôi quyết định "bỏ phố lên núi" vì muốn trải nghiệm mọi thứ cùng nhau.

11h sáng 7/9/2020, An nhanh chóng mang những món đồ còn thiếu, Mai đem chiếc máy may mini đặt lên xe. Cặp đôi kiểm tra lần cuối những đồ dùng cần mang rồi nổ máy Cá Mập - tên gọi của chiếc xe Toyoto Previa cổ đã được độ lại. Cả hai bắt đầu hành trình "ham du hí" từ Đà Lạt thẳng tiến lên về miền Trung, ngược lên các tỉnh miền núi phía bắc kết hợp với kêu gọi quyên góp sách ủng hộ cho những điểm trường xa xôi.

Chạy được 30 phút, trời đổ cơn mưa tầm tã, An hét lớn cố át tiếng mưa "Khởi hành mà trời đổ mưa là lộc lắm em ơi". Nhìn những rừng thông qua tấm kính ướt nhèm, Mai biết mình sẽ nhớ Đà Lạt nhiều lắm.

Cặp vợ chồng Long An (bên trái) - Phương Mai và một người bạn chụp cạnh "Cá mập".

Suốt chặng đường, cặp vợ chồng trẻ Đào Long An và Nguyễn Phương Mai - đều 30 tuổi, đã kết hôn được 4 năm, hiện sống tại Đà Lạt - lại nhớ về những kỷ niệm xưa, khi cả hai tốt nghiệp đại học, lúc chập chững từ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, và sau 5 năm gắn bó, cặp đôi quyết bỏ tất cả để lên Đà Lạt sinh sống với những dự định mới. Thời điểm đó, ngoài họ, mọi người đều nghĩ "không thích ổn định mà cứ lông bông hoài"; "Đang ở thành thị không muốn lại còn đòi lên núi"...

"Chúng ta có thực sự là một gia đình?"

An và Mai lần đầu gặp nhau tại chỗ làm thêm ở Hà Nội khi còn là sinh viên. An học Kinh tế còn Mai theo ngành Báo chí, sau một thời gian tìm hiểu, cặp đôi ngỏ lời yêu. Tốt nghiệp, vì một số chuyện của gia đình, Mai quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp nhưng chưa biết nói sao với người yêu vì "lần đi này chưa hẹn ngày trở lại".

"Lúc nói với An trong đầu mình xác định chắc chắn sẽ chia tay, bởi đứng giữa gia đình và tình cảm cá nhân thì gia đình vẫn có sức nặng hơn", Mai bộc bạch.

Nghĩ chuyện tình sẽ chấm dứt nhưng cô gái trẻ không ngờ vài ngày sau lại thấy người yêu tay xách nách mang cả đống đồ để "vào Sài Gòn kiếm bạn gái".

"Mình nghĩ Sài Gòn là một môi trường đáng thử sức. Gia đình ở Hà Nội, bố mẹ lúc nghe tin mình vào Sài Gòn cũng sốc, nhưng sau khi nghe giải thích cả nhà cũng hiểu và đồng ý. Còn mình, mình biết Mai là người con gái bản thân muốn gắn bó, không thể nào vì khoảng cách địa lý mà phải chia tay", An nhớ lại.

Năm 2013, cặp đôi vào Sài Gòn, An xin làm marketing còn Mai làm content (chuyên viết nội dung - PV), cặp đôi bắt đầu đạt những thành công nhất định.

Sau 4 năm làm việc, năm 2017 họ kết hôn.

Sau kết hôn, cả An và Mai tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của công việc và không có thời gian dành cho nhau. Một ngày bắt đầu, Mai thức dậy đi làm lúc An đang ngủ, đến khi An về nhà thì vợ lại ngủ trước vì quá trễ.

Là vợ chồng nhưng cả ngày không được gặp nhau, nói chuyện chỉ qua tin nhắn. Nhìn cảnh mâm cơm chờ chồng từ lúc còn nóng hổi đến khi nguội ngắt suốt thời gian dài khiến Mai suy nghĩ "Chúng ta có thực sự là một gia đình?"

Vốn là người sống thiên về tình cảm, khao khát một giá trị sống đích thực, Mai quyết định xin nghỉ tại công ty, làm freelancer (người làm việc tự do - PV) để có thời gian cho gia đình, nhưng công việc chẳng khác xưa, cô chỉ đơn giản là đang "chuyển nơi làm". Cho đến cuối cùng Mai quyết định nghỉ 2 tháng để lên Đà Lạt tìm cảm hứng, lấy lại năng lượng.

"Chuyến đi Đà Lạt giúp mình trả lời được nhiều câu hỏi, khi lên đó mới biết bản thân muốn gì, cần gì và định nghĩa rõ ràng nhất về một gia đình. Lúc đó mình muốn chuyển lên Đà Lạt sinh sống, nhưng trước hết cần thảo luận với chồng", Mai kể.

"Bọn mình là vợ chồng, em muốn vợ chồng mình được ở cùng nhau và làm mọi thứ cùng nhau", Mai đã nói với chồng điều tận sâu trong đáy lòng và một lần nữa An lại đồng ý, bỏ qua chuyện cặp đôi đã mua căn chung cư trả góp, chuyện anh đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, thậm chí được cân nhắc để lên chức vụ cao hơn. Thời điểm quyết định "lên núi", thu nhập của cả hai đã hơn 50 triệu đồng/ tháng.

Sau một năm kết hôn, cặp đôi chuyển nhà lên Đà Lạt.

"Đà Lạt – vùng đất cho những kẻ mộng mơ?"

Lên Đà Lạt, An và Mai quyết định thuê đất để dựng nhà làm homestay. Không phải là khu trung tâm náo nhiệt, cặp đôi quyết định chọn một mảnh đất hướng thẳng mặt xuống thung lũng, một bên là vườn hồng, bên còn lại là vườn cà phê cách trung tâm chừng 5km, ít người sinh sống nhưng không gian xanh ngút ngàn khiến cặp đôi gật đầu ngay.

"Sao khờ thế, ai lại chọn mảnh đất dốc thẳng, lại xa xôi hẻo lánh làm nhà?", những người dân liên tục nói với đôi vợ chồng trẻ, thậm chí họ còn nói cả hai đã bị lừa vì không có tầm nhìn, còn Mai lại cho rằng "hãy tin vào cảm xúc đầu tiên".

Ngôi nhà gỗ được dựng lên chỉ với 4 người.

Ngôi nhà gỗ được dựng mô phỏng nhà của đồng bào dân tộc Lạch (đồng bào cổ sinh sống xưa xưa tại Đà Lạt). Sau khi lên bản vẽ, thuê nhân công xây dựng phần móng, nhà vệ sinh, đến khâu dựng gỗ làm nhà thì tuyệt nhiên không ai nhận. Xây một nửa rồi bỏ thì không được, đôi vợ chồng trẻ cùng anh kiến trúc sư và một người bạn thân tự tay dựng nhà.

"Anh kiến trúc sư kêu chúng mình cưa gỗ thì cưa, bảo dựng chỗ nào thì dựng chỗ đấy. Mệt chứ, toàn đứa ngồi bàn giấy động đến việc nặng chẳng mệt, nhưng lại vui vì tự tay xây lên chính căn nhà của mình", Mai nhớ lại.

Suốt 4 tháng trời cưa gọt, đục đẽo, căn nhà gỗ rộng 100m2 gồm 5 phòng ngủ trong đó có 2 phòng gác mái được dựng lên, sẵn sàng đón từ 18 - 20 khách. Toàn bộ vật dụng trong nhà chủ yếu sử dụng đồ tái chế, hạn chế mua đồ mới, một phần để tiết kiệm chi phí, phần khác là không muốn căn nhà bị "hiện đại hóa", mất đi cảm giác thân thuộc, gần gũi.

Khoảng thời gian bỏ phố lên núi, cặp đôi buộc phải tối giản, chi tiêu tiết kiệm trong khoản tiền dành giụm nhiều năm đi làm. So với lúc kiếm 40 - 50 triệu/ tháng mà tiêu vẫn thiếu ở Sài Gòn, sống ở Đà Lạt khiến cặp đôi tiết kiệm đến mức khó tin.

Vốn là dân viết content, chồng làm marketing, nhưng cả hai không muốn quảng bá homestay của mình theo cách này vì chúng "không bền vững", thay vào đó là "truyền miệng".

Không gian bên trong nhà Ham Du Hí sau khi đã hoàn thiện và đón khách.

"Ban đầu mình đơn thuần chia sẻ quá trình làm nhà lên trên trang cá nhân nhưng dần dần được mọi người biết đến. Họ tò mò về một ngôi nhà hướng mặt ra thung lung xanh mát, nơi bốn bề bao quanh bởi vườn cây. Sau khi hoàn thành một vài người liên hệ đến trải nghiệm, khi đã yêu thích họ sẽ tự giới thiệu. Lượng khách dần ổn định và homestay được nhiều người biết đến hơn", Mai kể.

Suốt một năm chú tâm vào homestay, cả Mai và An bắt đầu có những định hướng với những dự án làm cafe sạch tại Đà Lạt và Tây Nguyên, mong muốn cung cấp sản phẩm cà phê sạch đến nhiều nơi.

Sau 2 năm dựng nhà, khi homestay bắt đầu vận hành theo đúng quy trình, Mai và An bắt đầu lên kế hoạch thực hiện một trong năm ước mơ lớn của cuộc đời, là được trải nghiệm lối sống vanlife (sống trong ngôi nhà di dộng – PV) với hành trình rong ruổi vòng quanh Việt Nam. Hành trình cũng giúp cặp đôi đi tìm câu trả lời "Liệu Đà Lạt có còn phù hợp?" khi chứng kiến sự thay đổi không ngờ của mảnh đất mộng mơ.

Nhiều người hay hỏi: "Sẽ thế nào nếu vợ cậu lại muốn tìm một mảnh đất mới để sống?", An chỉ cười và đáp "Thậm chí cô ấy lên Sao hỏa mình cũng đồng ý bởi chỉ ở đâu có Mai, có con thì đó là nhà".

"Ham du hí" - những trải nghiệm chưa từng có trên sách vở

Khi công việc kinh doanh đang vận hành, Covid-19 bùng phát khiến ngành dịch vụ tạm thời ngưng đọng, cả hai bắt đầu nghĩ về chuyến du lịch trải nghiệm bằng ô tô ấp ủ từ lâu nhưng chưa có cơ hội thực hiện.

Đầu năm 2020, sau một thời gian dài "nằm vùng" trong các group chuyên về xe, thậm chí dự tính chuyển qua xe bán tải thì chiếc Toyoto Previa cổ, được sản xuất năm 1991 (cùng tuổi với cặp đôi) xuất hiện. Bỏ ra 260 triệu đồng để phục chế lại nhưng không thay đổi cấu trúc xe để phù hợp với một ngôi nhà di động, nhiều người nói "người trẻ thường có những ý tưởng điên rồ", nhưng An và Mai cho rằng "một khi đã là quyết định, hãy tin tưởng vào bản thân".

Chiếc Toyoto Previa cổ được phục chế lại.

"Trên xe được thiết kế nhiều hộc tủ, gần như đáp ứng được hết nhu cầu về chỗ ở, nấu ăn, tắm rửa... để bọn mình dành một năm đi vòng quanh Việt Nam, sinh sống, ăn ở ngay trên xe", An hứng khởi nói.

Sau 2 tháng sửa chữa, thay mới toàn bộ nội thất bên trong, chiếc xe chính thức lăn bánh.

Nhắc về Cá Mập trong suốt chuyến hành trình, Mai hay nói "nó kiên cường và dũng mãnh hơn bất kỳ ai": "Dù đã tu sửa nhưng Cá Mập rất hay bị hỏng, thậm chí gặp sự cố trong lúc đổ đèo. Nhưng quyết định chọn Cá Mập để rong ruổi suốt 6 tháng từ Đà Lạt lên miền Bắc của bọn mình chưa bao giờ sai", Mai cười.

Trong trang viết cá nhân, cô gái 30 tuổi không quên kể về lần thoát chết hụt của Cá Mập: "Tôi phải kể ngay câu chuyện thoát chết diệu kỳ của Cá Mập mới được. Trên đường từ Bắc Hà lên Sapa, khi Núi vừa ôm khúc cua thứ-mấy-trăm, nơi chỉ còn cách homestay của chúng tôi tám cây số, thì gặp một chiếc xe tải đang dừng giữa đường ở tư thế đối đầu. Chưa kịp hiểu tại sao chiếc xe tải lại ung dung giữa con dốc như vậy thì tự dưng An bật tiếng làm tôi giật mình khi chỉ vừa vượt qua nó vài vòng bánh xe: "Thôi xong Cá Mập lại sập rồi!". Rướn người nhìn qua ô cửa kính, tôi thấy Cá Mập đang nằm tư thế bập bênh, hai chiếc bánh ở mạn phải bị lọt hẳn xuống cái mương còn sâu hơn con dốc mà lần trước Cá Mập "trượt chân" ở Tà Xùa....".

Trước chuyến đi, cặp đôi tính toán có thể tìm chỗ đỗ xe và ngủ ngay trên đường, sẽ có những địa điểm để tắm và nghỉ ngơi tại các cây xăng nhưng thực tế khác xa những điều vợ chồng Mai suy nghĩ. 6 tháng trời mang theo "nhà di động" trên đường, không ít lần Mai nản chí vì quá trình di chuyển gặp nhiều khó khăn; môi trường, địa hình, văn hoá ở Việt Nam không dễ để thực hiện lối sống vanlife như cô mường tượng. Nhưng chính những trở ngại đã giúp cặp đôi nhận ra: mọi thứ có thể không diễn ra như mong đợi, nhưng nó sẽ diễn ra theo cách chúng ta cố gắng.

Những cuộc trò chuyện với người dân bản địa, những lần gặp gỡ định mệnh với những con người đang cống hiến thầm lặng cho xã hội, cho nhân loại; được đi đến những điểm bản xa xôi để ủng hộ tủ sách cho trẻ em vùng cao... "Góp nhặt năng lượng sống tích cực qua mỗi câu chuyện và ngày một nhiều lên trong dòng chảy cảm xúc và tình yêu khiến mình và An cảm thấy thiết tha hơn với cuộc đời này" – Mai nói.

Dự định thực hiện chuyến đi trong vòng một năm, nhưng vì một vài lý do cá nhân, cặp đôi quyết định tạm dừng chuyến đi sau 6 tháng.

Ngày trở về Đà Lạt, cặp đôi nhận ra có vẻ mình chưa thật sự hiểu rõ mảnh đất này, có rất nhiều thứ cần làm, cần thực hiện và trên tất cả, đây vẫn là mảnh đất cả hai đã chọn để gắn bó. Họ muốn có cơ hội được lắng nghe, cảm nhận và cố gắng hơn vì nơi này.

Còn về Cá Mập, ngày nào An cũng nổ máy vài vòng vì không muốn xe để lâu sẽ bị hỏng. Cặp đôi mong muốn chuyển giao chiếc xe đến người có mong ước trải nghiệm cuộc sống, được hiểu hơn con người và văn hoá Việt Nam, và hơn hết là sẵn sàng và chấp nhận một chặng đường không lường trước khó khăn để từ đó có thể thấu hiểu chính bản thân mình.

Còn với riêng họ, sẽ đến một lúc nào đó, chuyến hành trình "ham du hí" lại tiếp tục.

Thúy Quỳnh
Ảnh: Nhân vật cung cấp