Chủ nhật, 6/9/2020, 12:54 (GMT+7)

Black Pink là nhóm nhạc 'bóng bẩy vẻ ngoài, vô hồn bên trong'?

Một bộ phận netizen cho rằng Black Pink quá chú trọng vào chiêu trò để đẩy mạnh thương hiệu cá nhân và xa rời các giá trị âm nhạc.

1. Thiếu sáng tạo trong âm nhạc

Kể từ Ddu-du Ddu-du năm 2018, các ca khúc chủ đề của Black Pink đều bị phê bình về sự rập khuôn. Kill This Love hay How You Like That được xem là Ddu-du Ddu-du phiên bản remix năm 2019 và 2020. Đây đều là những ca khúc có cấu trúc giống nhau: các đoạn nhạc rời rạc chắp vá, hook bắt tai kết hợp beat drop EDM xập xình. Sự xào nấu lại một công thức "tạo hit" công nghiệp một cách lộ liễu này gây nhiều tranh cãi khi khán giả mong chờ một điều gì đó mới mẻ hơn, nghệ thuật hơn từ girlgroup YG. Hơn nữa, các ca khúc chủ đề của Black Pink đều khá nghèo nàn về tư duy âm nhạc, không mang đến cho người nghe một thông điệp rõ ràng, kết nối nhau, mà đa phần đều có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí.

Một số netizen bày tỏ thất vọng khi nhà sản xuất Teddy và Black Pink không thể bước ra khỏi vùng an toàn mà cứ mãi dùng một công thức "thương mại" suốt 3 năm qua. Không ít Knet cho rằng thời đỉnh cao trong âm nhạc Black Pink đã đi qua và tiếc nuối khi nhóm không thể có một ca khúc đột phá về cấu trúc như Whistle hay Playing With Fire.

2. Teamwork hời hợt

Vì không có trưởng nhóm dẫn dắt trên sân khấu, một số màn trình diễn của Black Pink bị chê về sự rời rạc, thiếu gắn kết, teamwork kém. Nhiều khán giả có thể khen ngợi nhan sắc xinh đẹp hay thời trang bắt trend của Black Pink, nhưng về phong cách trình diễn, họ cho rằng nhóm... chẳng có gì nổi bật. Vũ đạo Black Pink thiếu sự đồng bộ, kỹ năng trình diễn bị chê yếu kém, giống như những màn "trả bài" nhàm chán.

Đầu 2019, khi Black Pink biểu diễn tại các show của Mỹ như Good Morning America The Late Show with Stephen Colbert, nhóm bị Knet chê là "nỗi thất vọng quốc gia" vì màn trình diễn quá hời hợt. Trên các sân khấu quê nhà, Black Pink gây ấn tượng về mặt thị giác chủ yếu nhờ các hiệu ứng về ánh sáng, góc quay. Tại truyền hình Mỹ, khi biểu diễn trong một sân khấu "trung thực" và không gian hẹp, những yếu kém về khả năng trình diễn của nhóm bị phơi bày hết.

Chính vì thiếu sót này, một số netizen cho rằng khi xem MV của Black Pink rất "đã mắt", nhưng khi xem diễn live lại thấy... hụt hẫng. Đấy là chưa kể cơ số lần các thành viên của Black Pink gây tranh cãi vì vũ đạo kém (Ji Soo), lười biếng, bỏ qua động tác (Jennie).

3. Quá chú trọng vào hoạt động solo

Bước sang năm hoạt động thứ 5, nhưng sự nghiệp âm nhạc của Black Pink khá ít ỏi. Nhóm từng gây tranh cãi khi tổ chức world tour với vỏn vẹn 13 bài hát "dắt túi". Nhiều người cho rằng lỗi thuộc về YG khi không cho các cô gái comeback thường xuyên. Tuy nhiên, chính các thành viên Black Pink cũng có sự xao nhãng trong hoạt động âm nhạc nhóm. Nhiều netizen cho rằng 4 thành viên girlgroup này quá chú trọng vào các hoạt động quảng bá cá nhân, như dự show thời trang, chụp hình tạp chí, làm gương mặt đại diện cho các nhãn hàng.

Thậm chí có người mỉa mai Black Pink "không mặn mà với sự nghiệp nhóm, sự nghiệp âm nhạc" mà chỉ như các idol xứ Trung - dùng hoạt động ca hát làm đòn bẩy để tấn công mảng thời trang, xây dựng thương hiệu cá nhân và trở thành những "hot face trên mạng xã hội". Có thời điểm Black Pink còn bị chính fan phàn nàn vì quá ít tương tác với người hâm mộ. Sợi dây gắn kết giữa Black Pink với cộng đồng Blink rất hời hợt, hình tượng của nhóm khá xa cách. Chính sự rời rạc trong hoạt động chung này đã khiến fandom Black Pink gần như chỉ toàn fan only, thiếu bền vững và đoàn kết như các fandom nhóm khác.

4. Chiêu trò của YG

Fan thường chỉ trích YG "kém khôn" khi không tận dụng hết tiềm năng của Black Pink, thường "cất kín" nhóm không cho tham gia nhiều hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên, có người lại khẳng định đây là chiêu trò của YG. Việc "ém hàng" Black Pink, một năm comeback một lần sẽ tạo sự bùng nổ trong cộng đồng fan, sự tò mò cho nonfan và khiến các ca khúc của nhóm dễ tạo hit. Ngoài ra, chiêu trò "push người này, đối xử bất công người kia" cũng giúp phát triển fan solo của từng thành viên, khiến danh tiếng 4 người giữ được sức nóng khi luôn được bàn tán trên mạng xã hội.

Black Pink tung MV comeback
 
 
MV Ice Cream - Black Pink & Selena Gomez.

YG còn thường bị chỉ trích vì media play "quá đà", nâng tầm quá mức vị thế của Black Pink trên mặt báo. Công ty này chú trọng đầu tư phần nhìn, sao cho Black Pink có một vẻ ngoài thời thượng, visual đỉnh cao, quần áo lộng lẫy nhất có thể mà quên đi các giá trị âm nhạc. Ví dụ gần đây nhất là màn collab giữa Black Pink và Selena Gomez. Trước khi phát hành ca khúc, công ty PR khá rầm rộ. Dàn producer của Ice Cream cũng rất hoành tráng, khiến ca khúc được trông đợi rất nhiều. Tuy nhiên, chất lượng âm nhạc lại bị số đông nhận xét là... dở tệ. Ice Cream không có sự kết nối với người nghe, cũng không hiểu những ví von tình dục trong ca khúc là muốn truyền tải điều gì. Điều duy nhất đọng lại là MV đẹp, quần áo bắt mắt (cũng như bao MV khác). Có vẻ như YG chẳng quan tâm bài hát hay hay dở, mà chỉ muốn media play rằng Black Pink đã đạt đến cái tầm hợp tác với nhiều sao hạng A của làng nhạc Âu Mỹ. Một pha đầu tư "Mỹ tiến" lấy tiếng, lấy sự hào nhoáng và có lẽ cũng tốn kha khá tiền bạc của YG.

5. Kết

Không thể phủ nhận sức nóng của Black Pink. Nhóm thường gắn với những kỷ lục về lượt view YouTube, những ca khúc xập xình tạo trend cover vũ đạo hay những lần dẫn đầu xu hướng thời trang. Tuy nhiên, khi đã bước sang năm thứ 5 debut, mà Black Pink vẫn chưa có một fandom chung vững mạnh, chưa có giải thưởng lớn nào và mới chỉ sắp sửa phát hành full-album đầu tiên trong sự nghiệp, thì có lẽ việc đặt dấu hỏi về "giá trị thực" của nhóm cũng không phải là điều gì đó quá phi lý. Fan Kpop cho rằng muốn đi được đường dài trong sự nghiệp, Black Pink cần thay đổi, sáng tạo hơn và chân thành hơn cả về "phần nghe" lẫn "phần nhìn". Bốn cô gái YG không thể dựa dẫm mãi vào những bản beat bắt tai của Teddy, chiêu trò "một năm comeback một lần", visual long lanh, quần áo hàng hiệu hay những danh xưng trên mạng xã hội.

Betty