Thứ năm, 21/5/2020, 00:00 (GMT+7)

Bảo tồn 'Tiếng thét' - bức họa về sự tuyệt vọng 

Na Uy'The Scream' (Tiếng thét) - bức tranh nổi tiếng của Edvard Munch - biểu tượng cho nỗi lo lắng, tức giận của con người, được cho là rất hợp trong thời điểm Covid-19 bùng phát. 

"Tiếng thét" là một trong những tác phẩm có sức sống lâu bền và được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử hội họa hiện đại. Bức tranh của danh họa người Na Uy, Edvard Munch, với 4 phiên bản, nổi tiếng tới độ những người chỉ biết sơ qua về hội họa cũng có thể nhận ra nó. Đó là một hình người "xương xẩu", khuôn mặt nhăn nhúm, miệng há, biểu lộ nỗi kinh hoàng đứng trước hậu cảnh là bầu trời pha trộn giữa màu đỏ rực và da cam đầy đe dọa.

Letizia Monico và Costanza Miliani - hai nhà nghiên cứu hội họa nhận định rằng, "Tiếng thét' là bức tranh không tuổi, một biểu tượng của sự đau khổ và nỗi buồn của con người hiện đại. Đặc biệt vào những thời điểm bấp bênh, mỗi người có thể nhận ra một phần nhỏ của bản thân trong nhân vật đang hét. Bạn có thể thấy được nỗi sợ hãi, khát vọng được thoát khỏi tình huống choáng ngợp và không kiểm soát được. Nhân vật trong tranh giống bộ xương. Tuy nhiên, nhân vật đang hét, có giọng nói. Nó không hề im lặng. Tiếng hét của sự đau khổ và nỗi buồn được giải phóng, nếu không bị làm ngơ, có thể biến thành cảm giác hy vọng và thanh thản.

Bức "Tiếng thét" (1893) - một trong 4 phiên bản "Tiếng Thét" của danh họa Edvard Much. Ảnh: CNN.

Trong một vài thập kỷ vừa qua, một "kẻ thù vô hình" đang tàn phá bức tranh nổi tiếng này. Nhờ vào cách nghiên cứu không xâm lấn, nhà quản lý đã phát hiện được thủ phạm: "độ ẩm". Và tin tốt là những nhà bảo tồn tranh tại bảo tàng Munch ở Oslo, Na Uy có thể kiểm soát được điều này. Nghiên cứu vừa được đăng tải trên tờ Science Advances hôm 15/5, theo CNN.

Những phần thuốc màu vàng cadmium mà Munch sử dụng trong bức tranh bị tróc và đổi màu qua nhiều năm. Màu vàng của hoàng hôn, bầu trời và cổ của nhân vật đều chuyển sang màu trắng, trong khi phần sơn màu vàng dày ở cái hồ gần đó cũng bong tróc. Sự hủy hoại cũng xảy ra khi bức tranh bị ăn cắp vào 2004. Bức tranh được lấy lại vào 2006. Kể từ đó, "Tiếng thét" hiếm khi được mang ra trưng bày. Bảo tàng phải bảo vệ nó trong điều kiện ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp trong kho.

Phối hợp với bảo tàng Munch, một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế dẫn dắt bởi Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy đã nghiên cứu bức tranh để tìm ra nguyên nhân của sự xuống cấp. Họ sử dụng phòng thí nghiệm di động MOLAB để nghiên cứu bức tranh, sau đó mang đi chụp X-quang để nghiên cứu những phần thuốc màu vàng cadmium.

Sự kết hợp của công nghệ nghiên cứu và các mẫu vật giúp họ tìm ra lý do tại sao những mảnh cadmium-sunfua bị phân rã. Khi cadmi-sunfua tiếp xúc với hợp chất clo trong điều kiện không khí độ ẩm cao, ví dụ khoảng 95%, chúng sẽ biến thành cadmium-sunfat. Sự thay đổi này không phụ thuộc vào ánh sáng.

Đối với các nhà nghiên cứu, đây là cơ hội độc nhất để giúp bảo tồn và nghiên cứu một kiệt tác. Letizia Monico và Costanza Miliani - hai trong số các tác giả của nghiên cứu - viết trong một email gửi đến cho CNN: "Trải nghiệm này là có một không hai và vô giá, cả về góc độ cá nhân lẫn công việc. Thông thường, khi bạn nhìn vào một bức tranh trong triển lãm, bạn nhìn nhận bức tranh một cách tổng thể, khung của nó, môi trường của bảo tàng, tất cả đều trong một khoảng thời gian khá ngắn. Khi bạn mặt đối mặt với bức tranh, bạn bắt đầu ám ảnh về bất kỳ những chi tiết nhỏ nào, ví dụ như độ dày của mỗi nét cọ, sắc thái khác nhau của màu mà họa sĩ dùng, những phân tử nhỏ như bụi... Bạn có thể cảm nhận ý đồ của nghệ sĩ qua bức tranh".

Bức "Tiếng thét" được trưng bày tại Bảo tàng Munch ở Oslo, Na Uy. Ảnh: Võ Trung Nghĩa.

Bức tranh đặc biệt này là phiên bản được vẽ vào năm 1910. "Tiếng thét" là một mô típ được Munch sử dụng trong hàng loạt tác phẩm giữa những năm 1893 và 1916, bao gồm 4 phiên bản khác nhau và đều khác biệt. Trong đó, hai bức tranh, từ năm 1893 (ở Triển lãm Quốc gia Na Uy) và 1910 được nghĩ đến đầu tiên mỗi khi nhắc đến "Tiếng thét". Cách tác giả sử dụng màu "táo bạo và thông minh" tạo nên sự tương phản giữa màu bão hòa và kết cấu bóng bẩy... Tất cả tạo nên một tác phẩm ấn tượng của "những màu sắc la hét".

Dựa theo nghiên cứu, các nhà khoa học khuyên rằng bức tranh có thể được lưu giữ và trưng bày nếu độ ẩm được giữ ở mức 45% hoặc thấp hơn và duy trì ánh sáng cơ bản. Hiện bức tranh cùng các tác phẩm khác của Munch được bảo quản và trưng bày ở điều kiện độ ẩm 50% và nhiệt độ 20 độ C.

Eva Storevik Tveit và Irina Sandu - đồng tác giả của nghiên cứu ở Bảo tàng Munch cho biết: "Bảo tàng đang xem xét việc áp dụng những lời khuyên từ nghiên cứu này cho việc bảo quản và trưng bày bức tranh trong tương lai. Bức tranh này là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và nhạy cảm nhất trong bộ sưu tập của chúng tôi. Một chiến lược tốt dựa theo khoa học để bảo tồn nó là rất quan trọng". 

Milani cho biết: "Công trình kiểu này cho thấy nghệ thuật và khoa học về bản chất có liên quan đến nhau. Khoa học có thể giúp bảo quản các tác phẩm nghệ thuật để thế giới có thể chiêm ngưỡng trong nhiều năm nữa".

Munch yêu thích việc sử dụng thuốc màu trong tác phẩm của mình, giống như các họa sĩ đương đại khác như Henri Matisse, James Ensor và Vincent van Gogh. Những nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục được hợp tác với bảo tàng Munch và các bảo tàng khác. 

Monico và Miliani cho biết họ đã sử dụng phương pháp quang phổ không xâm lấn và kính hiển vi X-quang synchrotron để nghiên cứu các tác phẩm khác như "Hoa hướng dương" của Van Gogh, "Thuật giả kim" của Jackson Pollock.

Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để bảo tồn các bức tranh sử dụng thuốc màu vàng cadmium, bằng cách giảm độ ẩm và giữ ánh sáng tiêu chuẩn. 

Monico và Miliani cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ có cơ hội được nghiên cứu các tác phẩm khác của Munch và các nghệ sĩ đương đại khác, với mục tiêu có thêm hiểu biết về các chất liệu được sử dụng bởi các nghệ sĩ và tình trạng xuống cấp của các bức tranh".

"Tiếng thét" là một bức tranh cho thấy sự phức tạp của cảm xúc - cách con người phản ứng với nó - điều này cực kỳ hợp lý trong thời điểm Covid-19 bùng phát như hiện nay. 

Bảo tồn bức tranh này cho các thế hệ mai sau là một điều mà bảo tàng Munch coi là tối quan trọng. Storevika Tveit và Sandu cho biết: "'Tiếng thét' tiêu biểu cho nỗi lo lắng và tuyệt vọng của con người. Nó cũng nói về những tính cách và khả năng con người có liên quan đến thiên nhiên và nhu cầu của xã hội. Bất chấp tình hình thế giới hiện giờ, bức tranh là một thông điệp truyền đi dòng thời gian lịch sử, cách bảo quản cùng thông điệp rất quan trọng đối với thế hệ tương lai. Chúng ta có thể xem nó là kỷ vật thời gian cùng nội dung gần gũi với nhân loại...".

Võ Trung Nghĩa (23 tuổi), sinh viên ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng tại ĐH Quốc gia Điện ảnh và Truyền hình Saint Petersburg, từng đến Oslo - nơi sở hữu bức tranh "Tiếng thét" vào cuối 2018. 

Chia sẻ với iOne, Trung Nghĩa nói đây là một trải nghiệm đáng nhớ vì được cảm nhận bầu không khí, tưởng tượng ra tiếng thét mà người họa sĩ muốn truyền đạt. "Oslo là điểm đến tuyệt vời cho bất kỳ ai hứng thú với nghệ thuật và cuộc đời của họa sĩ tài ba này. Nhân vật chính đầy ấn tượng, sự lo âu và tuyệt vọng cùng cảm xúc mạnh mẽ khiến 'Tiếng thét' làm say mê cả thế giới", Nghĩa nói. 

Nghĩa bật mí, việc chiêm ngưỡng và để pose hình lưu niệm với "Tiếng thét" không hề khó khăn. "Khách du lịch đến đây đều rất lịch sự, họ xếp hàng để chờ đợi chụp cùng với bức họa. Nếu bạn muốn có bức ảnh ưng ý chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi và có thể tham khảo vài cách pose hình. Vì sao bạn không tranh thủ hóa thân thành nhân vật nhỉ", Nghĩa nói. 

Huyền Anh 
Ảnh: Võ Trung Nghĩa