Chủ nhật, 2/2/2020, 10:08 (GMT+7)

Bác sĩ ở Vũ Hán: Bị đánh, làm việc quá sức và thiếu tiếp tế

Trung QuốcCác bác sĩ và y tá ở Vũ Hán đang mạo hiểm mạng sống của họ theo nhiều cách.

Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp chưa từng có để chống lại sự lan rộng của dịch viêm phổi corona, bao gồm khóa chặt một tỉnh 60 triệu dân. Diễn biến căng thẳng nhất trong cuộc chiến với chủng virus mới này là trên các bệnh viện - nơi đang thiếu mọi thứ: bác sĩ, y tá, thiết bị y tế, giường bệnh, thuốc, khẩu trang... 

Ngoài việc đối diện với sự thiếu thốn trang thiết bị, các bác sĩ ở Vũ Hán hiện phải làm việc quá sức và đối mặt với mối đe dọa từ các bệnh nhân đang hoảng loạn.

Một bác sĩ đeo kính bảo hộ trước khi vào khu cách ly tại bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 30/1. Ảnh: China Daily.

Một bác sĩ tại bệnh viện Vũ Hán cho biết ông không về nhà trong 2 tuần, thậm chí trong một ca làm việc đêm gần đây, ông có 150 bệnh nhân xếp hàng tại phòng khám ngoại trú.

"Tất cả bệnh nhân đều lo lắng. Một vài người trở nên tuyệt vọng sau khi chờ đợi nhiều giờ trong cái lạnh", ông nói. "Tôi nghe thấy một người đứng xếp hàng nói rằng anh ta đợi quá lâu đến nỗi muốn đâm chúng tôi. Tôi rất lo lắng. Giết một vài người trong số chúng tôi sẽ không làm giảm số người xếp hàng đợi, đúng không?".

Người đàn ông bị sốt và cố tình ho vào mặt nhân viên y tế
 
 
Người đàn ông bị sốt và cố tình tháo khẩu trang ho về phía nhân viên y tế. Video: SCMP.

Những lo ngại của ông về bạo lực là điều dễ hiểu. Hôm 29/1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Hán bị đánh bởi thành viên trong gia đình của một bệnh nhân bị viêm phổi do virus gây ra. Quần áo bảo hộ của một bác sĩ bị xé toạc ở khu vực cách ly, tờ Beijing Youth đưa tin.

"Cảm xúc tiêu cực của mọi người lên cao bởi vì bệnh viện hoạt động hết công suất kể từ đầu tháng 1. Nhiều người không thể tìm nổi một chiếc giường. Nhưng chúng tôi có thể làm gì?", một bác sĩ giấu tên cho hay. "Các bác sĩ và y tá làm việc không ngừng nghỉ, ngay cả ca đêm cũng đầy đủ. Chúng tôi bị bao vây bởi những bệnh nhân ho ngay cạnh suốt cả đêm."

Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ điều trị cho một bệnh nhân bị viêm phổi do virus corona gây ra, tại bệnh viện Zhongnan của Đại học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 27/1. Ảnh: China Daily.

Tính đến 31/1, hơn 9.600 người Trung Quốc đại lục được xác nhận dương tính với nCoV, số ca tử vong là 213. Số người nhiễm bệnh đã vượt qua tổng số trường hợp được báo cáo trong đại dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/1 tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, với lý do lo ngại nguy cơ virus sẽ lây lan sang các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém.

Bắc Kinh cho biết họ đã huy động hơn 6.000 nhân viên y tế đến giúp đỡ các đồng nghiệp kiệt sức ở tỉnh Hồ Bắc. Quân đội, lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc cũng gửi bác sĩ đến tăng cường tại ba bệnh viện chính điều trị cho bệnh nhân trong thành phố.

Trái: Hu Pei, nữ y tá 22 tuổi làm việc nhiều đến mức bàn tay nứt nẻ. Cô công tác tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện Nhi đồng Hồ Nam, là một trong những "chiến binh" chống lại dịch virus corona ở trung tâm tỉnh Hồ Nam. Ảnh: Twitter/People’s Daily.

Phải: Gương mặt hằn vết khẩu trang của một y tá phải đeo khẩu trang liên tục quá lâu. Ảnh: Twitter/People’s Daily.

Hu Pei, nữ y tá 22 tuổi trong bộ đồ bảo hộ. Ảnh: Twitter/People’s Daily.

Nhưng ngay cả sau khi 500.000 nhân viên y tế ở Hồ Bắc hủy bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại thời điểm 60% các ca xác nhận dương tính và 95% các ca tử vong do virus corona gây ra ở Hồ Bắc, các bệnh viện đều đạt đến giới hạn.

Có quân y hỗ trợ, nhưng các bệnh viện vẫn thiếu nhân viên, một người thường làm việc trong phòng phẫu thuật nói. "Quá nhiều bệnh nhân cần được điều trị, quá nhiều xét nghiệm cần được thực hiện, tất cả mọi người đều bận rộn. Nhưng có đội ngũ của chúng tôi ở đó, ít nhất các đồng chí Vũ Hán có thể ngủ thêm một hoặc hai tiếng nữa."

Tân Hoa Xã đưa tin trước đó rằng, các nhóm từ Đại học Quân y ở Trùng Khánh đang điều trị cho hơn 72 bệnh nhân được xác nhận dương tính với virus corona tại Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán.

Các nhân viên y tế khác trong thành phố cho biết việc cung cấp các thiết bị thiết yếu đã được cải thiện nhưng vẫn quá xa để đáp ứng nhu cầu. Một bác sĩ tại Bệnh viện Tongji nói ông đã mặc cùng một bộ quần áo bảo hộ trong ca làm việc 10 tiếng vì thiếu hụt vật tư y tế.

"Thiết bị bảo hộ cần được thay mới mỗi khi chúng ta ra khỏi khu vực cách ly," bác sĩ này nói. "Tôi mặc bỉm dành cho người lớn và cố gắng uống ít nước hơn trong suốt ca trực, vì tôi không thể đi đến nhà vệ sinh. Điều này rất phổ biến với các đồng nghiệp của tôi."

Các bác sĩ kiệt sức vì chiến đấu với virus corona. Ảnh: CCTV News.
Ảnh: CCTV News.

Tờ Yangtze của Vũ Hán đưa tin hôm 26/1, thành phố đã nhận được 10.000 gói quần áo bảo hộ, 800.000 mặt nạ hô hấp N95, 5 triệu khẩu trang dùng một lần và 4.200 cặp kính. "Các nguồn cung về cơ bản đầy đủ. Sự thiếu hụt đã được giảm bớt," tờ này viết.

Tuy nhiên, bác sĩ của Bệnh viện Tongji cho biết có vấn đề với chất lượng của thiết bị được cung cấp. "Từ kinh nghiệm, chúng tôi biết được một số thiết bị chất lượng thấp bị hỏng. Tôi không chắc ai đã mua những thứ đó cho bệnh viện, nhưng chúng có thể dẫn đến cái chết của các bác sĩ và y tá," người này nói.

Nhân viên y tế tự chế khẩu trang từ vải dự phòng, và mặc đồ bảo hộ là những túi bóng đựng vật tư y tế. Ảnh: Guardian.

Hôm 30/1, một bác sĩ thuộc khoa giải phẫu thần kinh ở bệnh viện liên kết Vũ Hán chia sẻ trên Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc, tương tự như Twitter) rằng bệnh viện đang rất cần vật tư y tế, bao gồm kính bảo hộ, áo bảo hộ sử dụng một lần và mặt nạ N95.

"Nguồn cung cấp của chúng tôi gần như đã sử dụng hết! Làm ơn hãy chuyển tiếp, xin lỗi vì luôn làm phiền mọi người!". Bài đăng cũng bao gồm lời kêu gọi quyên góp tài chính, chi tiết số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của nhân viên bệnh viện mà mọi người nên liên hệ.

Người đàn ông tên Cheng, một trong những người liên lạc của bệnh viện cho biết những bộ đồ bảo hộ sử dụng một lần được yêu cầu nhiều nhất. "Không có quần áo bảo hộ, các bác sĩ không thể tiếp xúc với bệnh nhân hoặc điều trị cho họ, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến công việc của chúng tôi," Cheng nói.

Các bác sĩ mặc nguyên đồ bảo hộ tranh thủ nghỉ ngơi. Ảnh: CCTV News.

"Chúng tôi nhận được một số lượng lớn các bộ quần áo này mỗi ngày. Ban đầu có rất nhiều sự hỗ trợ công khai sau yêu cầu trợ giúp đầu tiên, nhưng chúng tôi thấy rằng nhiều trong số chúng không phù hợp với hướng dẫn y tế và không thể sử dụng được," Cheng nói. "Sau tất cả, công việc của chúng tôi là phục vụ xã hội," anh làm việc 15-16 tiếng mỗi ngày.

Một bác sĩ khác nói rằng anh và đồng nghiệp phát hiện nhân viên quản lý và điều hành đã lấy nhiều mặt nạ từ các vật tư của bệnh viện. "Tôi tức giận. Tiền tuyến thiếu nguồn cung cấp nhưng các lãnh đạo đang lấy rất nhiều trong số chúng. Chúng tôi không nên được ưu tiên à?" anh này nói.

"Các lãnh đạo kiểm tra bệnh viện của chúng tôi đeo mặt nạ N95 hàng đầu, trong khi các bác sĩ và y tá chiến đấu nơi tiền tuyến chỉ có những khẩu trang bình thường. Tôi có thể nói gì được nữa?".

H.V (Theo SCMP)
Đồ họa: Thúy Quỳnh