Thứ tư, 12/8/2020, 16:55 (GMT+7)

5 câu hỏi lớn về vaccine Covid-19 của Nga

Tốc độ sản xuất vaccine 'Sputnik V' của Nga khiến giới khoa học nghi ngờ còn các khách hàng tiềm năng trên thế giới 'vừa mừng vừa lo".

Gần 9 tháng trôi qua kể từ khi Covid-19 bùng phát, Nga trở thành nước đầu tiên cấp phép vaccine Covid-19. Trong tuyên bố ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin mô tả đây là "một bước tiến rất quan trọng đối với thế giới". Sản phẩm, mang tên Sputnik V - được đặt theo tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" phóng lên vũ trụ năm 1957, do Viện Nghiên cứu dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển.

Putin nói rằng vaccine hoạt động "khá hiệu quả" và "tạo nên hệ miễn dịch vững chắc" chống lại Covid-19. Putin cho biết một người con gái của ông đã tự thử nghiệm và thấy khá ổn. Tuy nhiên, tốc độ Nga tung ra vaccine dẫn đến sự hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả - bởi sản phẩm được cấp phép lưu hành trước khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Đây là giai đoạn đòi hỏi quy mô mẫu lớn với sự tham gia của hàng nghìn người để theo dõi hiệu quả, và là giai đoạn quan trọng để xem xét phê duyệt một loại vaccine.

Tuần trước, WHO cảnh báo Nga về việc gấp rút sử dụng vaccine, trong khi Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ - bày tỏ sự nghi ngờ về hai loại vaccine được sản xuất ở Trung Quốc và Nga.

Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm trong quá trình thử nghiệm sản xuất "Sputnik V" tại Viện Gamaleya ở Moskva. Ảnh: Bloomberg.

Vaccine Covid-19 của Nga hoạt động như thế nào?

Vaccine của Nga dựa trên DNA của một chủng virus gây bệnh hô hấp cùng họ SARS-CoV-2 - một loại virus gây cảm cúm thông thường. Vaccine sử dụng virus bị làm suy yếu đi để vận chuyển các phần nhỏ của mầm bệnh và kích thích phản ứng miễn dịch.

Trả lời phỏng vấn Sputnik News, Alexander Gintsburg - Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya - nhấn mạnh, các phân tử coronavirus trong vaccine không thể làm hại cơ thể vì chúng không thể tự nhân lên.

Cận cảnh quá trình điều chế vaccine Covid-19 đầu tiên ở Nga
 
 
Cận cảnh quá trình điều chế vaccine Covid-19 của Nga. Video: Sputnik.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 cho thấy gì?

Cho đến giờ, Nga mới chỉ công khai kết quả giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng. Họ khẳng định giai đoạn này đã thành công và tạo ra được phản ứng miễn dịch mong muốn. Vào giữa tháng 7, hãng tin TASS của Nga nói rằng Bộ Quốc phòng khẳng định không có tình nguyện viên nào có bất kỳ lời phàn nàn nào và không ai có phản ứng phụ.

Giai đoạn 1 thử nghiệm trên người bắt đầu vào ngày 17/6 với 76 tình nguyện viên, hầu hết họ được tuyển chọn từ quân đội. Một nửa trong số họ được tiêm vaccine dạng lỏng, nửa còn lại được tiêm vaccine dạng bột hoà tan.

Giai đoạn II bắt đầu vào ngày 13/7. Đến 3/8, truyền thông Nga đưa tin Viện Gamaleya đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên các tin tức không nói rõ liệu cả ba giai đoạn thử nghiệm đã kết thúc hay chưa, hay mới chỉ có giai đoạn II kết thúc. Giai đoạn II thường mất khoảng vài tháng để hoàn tất.

Trước đó, Nga đã ám chỉ rằng ở giai đoạn III thử nghiệm trên người, vaccine sẽ được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người để thử nghiệm về độ hiệu quả ngoài đời thực tế. Giai đoạn này sẽ hoàn tất sau khi vaccine được cấp phép lưu hành.

Khi nào vaccine Nga được tung ra thị trường? Ai sẽ nhận trước?

Theo hãng tin AP, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova hứa hẹn bắt đầu "sản xuất đại trà" vaccine Gam-COVID-Vac Lyo vào tháng 9. Tuy nhiên, trang web Đăng ký Dược phẩm Quốc gia cho thấy vaccine này sẽ được lưu hành bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

Bộ trưởng Y tế Nga nói rằng thành viên của các nhóm "có nguy cơ cao" như nhân viên y tế sẽ được dùng vaccine vào tháng này và một chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được bắt đầu vào tháng 10. Ông cho biết các bác sĩ và giáo viên sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm.

Giới thượng lưu của Nga cũng được phát vaccine thử nghiệm sớm nhất vào tháng 4. Nga vẫn chưa tuyên bố giá của loại vaccine này.

Nhân viên y tế chuẩn bị lấy máu từ các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 tại bệnh viện Budenko Main Military. Ảnh: AP/Bộ quốc phòng Nga.

Vì sao chuyên gia lo ngại về vaccine Covid-19?

Tốc độ sản xuất siêu nhanh của vaccine Nga vượt mặt các đối thủ như Oxford-AstraZeneca, Moderna và Pfizer, khiến nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ Nga đang đốt cháy giai đoạn và có thể khiến công dân gặp nguy hiểm.

Điều khiến các chuyên gia nghi ngờ chính là giai đoạn thử nghiệm trên người của vaccine này. Thông thường giai đoạn này sẽ mất khoảng vài năm trong điều kiện bình thường, còn trong trường hợp của Nga lại chỉ mất gần 2 tháng. Quá trình phê duyệt vaccine quá nhanh chóng của Nga khiến các chuyên gia đã bày tỏ sự không hài lòng

Tuy nhiên, Nga khẳng định rằng điều này khả thi vì vaccine Covid-19 của họ gần giống vaccine MERS, bị gây ra bởi một loại coronavirus khác, và đã được thử nghiệm trên diện rộng.

Một hình ảnh trưng bày về vaccine Covid-19 tại Viện Nghiên cứu dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, do Quỹ đầu tư trực tiếp đăng tải.

Lawrence Gostin - Chuyên gia về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown - cho biết: "Tôi lo lắng rằng Nga đang đốt cháy giai đoạn nên vaccine sắp được lưu hành có thể không chỉ không hiệu quả mà còn không an toàn. Việc này không vận hành theo cách này, việc thử nghiệm phải đi đầu".

Bác sĩ Anthony Fauci - Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - cũng nghi vấn về hướng tiếp cận nhanh chóng trong phiên điều trần với các nhà lập pháp Mỹ. Fauci nói: "Tôi hi vọng rằng Nga và Trung Quốc thật sự thử nghiệm vaccine trước khi cung cấp cho người dân. Vì những khẳng định rằng có sẵn vaccine để phân phối trước khi xét nghiệm là rất có vấn đề".

Michael Head - Nhà đồng nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton ở Anh - chia sẻ trên Science Medical Center: "Vẫn chưa rõ chính xác chuyện gì đang xảy ra với vaccine của Nga. Điều quan trọng là bất kỳ đợt triển khai vaccine nào cũng phải được công chúng tin tưởng và có thông tin đầy đủ về mức độ hiệu quả và bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra. Lúc này, không có dữ liệu về vaccine của Nga để cộng đồng y tế toàn cầu xem xét kỹ lưỡng".

Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm tại trung tâm xét nghiệm ở sân bay Vnukovo, ngoại ô Moskva. Ảnh: AP.

Những quốc gia nào quan tâm đến vaccine của Nga?

Gần đây, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Denis Manturov nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS rằng "vài nghìn liều" sẽ được sản xuất mỗi tháng trong năm nay và sẽ tăng sản lượng lên thành "vài triệu liều" trong năm 2021.

Người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga Kirill Dmitrev - người rót vốn cho dự án này - nói trong một cuộc phỏng vấn rằng hơn 20 nước quan tâm đến việc sản xuất vaccine của Nga. "Các đối tác nước ngoài của chúng tôi bày tỏ mối quan tâm lớn trong việc sản xuất vaccine này ở nước họ. Các nước như Brazil, Ấn Độ và nhiều nước khác quan tâm. Nhiều hơn 5 nước đang làm việc tích cực với chúng tôi để bắt đầu sản xuất vaccine".

Tờ Telegraph đưa tin rằng Anh có ít khả năng sẽ sử dụng vaccine của Nga cho người dân. Giáo sư Danny Altmann thuộc Đại học Hoàng gia London chia sẻ trên Science Medical Center, nói có những lo ngại về việc phân phối một loại vaccine trước khi nó được thử nghiệm lâm sàng đầy đủ. "Nhất thiết phải thỏa mãn các tiêu chuẩn rất cao để được phê duyệt sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Những thiệt hại liên quan đến việc phân phối bất kỳ loại vaccine nào kém an toàn sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại của chúng tôi. Tôi hy vọng những tiêu chuẩn này được tuân thủ", ông nói.

Khi được hỏi liệu chính phủ Ấn Độ có lên kế hoạch hợp tác với Nga để mang vaccine tới Ấn Độ hay không, Bộ Y tế cho biết một nhóm chuyên gia trong nước về phân phối vaccine đã được thành lập nghiên cứu về vấn đề này. "Các điều khoản tham chiếu của họ cấu thành tất cả các vấn đề liên quan đến hậu cần vaccine, cách giải quyết các vấn đề về công bằng".

Đức cũng đưa ra nghi vấn về chất lượng và độ an toàn của vaccine Covid-19 từ Nga. "Sự an toàn của bệnh nhân phải là ưu tiên hàng đầu. Không hề có dữ liệu nào cho thấy chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine Covid-19 từ Nga", một phát ngôn viên Bộ Y tế Đức nói.

Covid-19 dẫn tới một cuộc đua xem quốc gia nào sẽ sản xuất ra vaccine đầu tiên. Cho đến nay, gần 30 quốc gia tham gia cuộc đua sản xuất vaccine, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh. Nga gần đây bị Mỹ, Canada và Anh cáo buộc hack vào các trung tâm nghiên cứu về nCoV hàng đầu của họ.

>>Xem thêm:
20 nước đặt hàng 1 tỷ liều vaccine Covid-19 của Nga
Nhiều nghi ngờ về độ an toàn vaccine Covid-19 của Nga
Cận cảnh quá trình điều chế vaccine Covid-19 đầu tiên ở Nga

Huyền Anh (Theo Indianexpress, AFP)