Thứ ba, 29/12/2020, 00:00 (GMT+7)

3 tháng 'đi học cùng bố' của nam sinh từng được bạn cõng tới trường

Khi không còn Hiếu, bố Minh phải bỏ việc ở quê, lên ở cùng ký túc xá Đại học Bách Khoa, làm "đôi chân, đôi tay" giúp con theo học.

Gần 7h sáng, ông Nguyễn Tất Mây (46 tuổi, quê ở Thanh Hóa), mở cửa căn phòng gần cuối tầng một của tòa B6 Ký túc xá Đại học Bách khoa (Hà Nội), đi thẳng ra khu bể chứa nước cho sinh viên. Thấy nước đã đầy các phi, ông khóa van, kiểm tra một lượt rồi vào phòng chuẩn bị bữa sáng cho con trai Nguyễn Tất Minh, tân sinh viên ngành Khoa học máy tính.

Tất Minh là nam sinh bị dị tật, đôi chân và một tay co quắp, không thể đi lại được. Suốt 10 năm đi học, Minh được người bạn cùng xóm là Ngô Minh Hiếu cõng đến trường. Đôi bạn thân từng nổi tiếng khắp cả nước vì cùng đạt điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhưng cuối cùng, Minh đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hiếu đỗ Đại học Y Dược Thái Bình. Hai người bạn phải xa cách. Cuộc sống của Minh không còn có Hiếu giúp đỡ từ khi vào đại học, nên ông Tất Mây - bố cậu - phải cùng lên Hà Nội, làm "đôi chân" cho con trai.

Biết hoàn cảnh gia đình ông Mây khó khăn, ban quản lý ký túc xá Bách Khoa sắp xếp cho hai bố con ông ở cùng gia đình Nguyễn Đức Quân, nam sinh bị xương thủy tinh, tân sinh viên ngành Toán - Tin, đồng thời sắp xếp để ông Mây trông coi hệ thống cấp nước cho sinh viên nhằm giúp bố con ông có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Trong căn phòng rộng chừng 25m2 được nhà trường tạo điều kiện để lắp đặt thêm bình nóng lạnh, tủ lạnh, xây thêm lối đi xe lăn, bệ bếp để tiện nghi hơn, bố con ông Mây cùng Quân và bác ruột trở thành một gia đình.

3 tháng không có Minh Hiếu cùng đi học của Tất Minh
 
 

Thời gian này Minh được nghỉ ôn thi, ăn sáng xong em leo lên giường, tranh thủ bật đèn, mở sách vở ra ôn các môn thi tiếp. Ông Mây dọn dẹp bát đũa.

Gần đây, do có đội sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ, ông Mây không phải đưa Minh đến trường. Mấy hôm thời tiết lạnh trở lạnh, một bên chân bị đóng đinh của ông liên tục đau nhức, ông lấy tay xoa bóp nhẹ rồi nói: "Đợt này không phải đưa Minh đến trường nên đỡ hơn hẳn. Thời gian đầu tôi đẩy xe đưa con đến cổng, xếp xe một góc rồi tiếp tục cõng con leo bộ. 3 tầng đầu thấy bình thường, nhưng leo đến tầng 4, tầng 5 là chùn chân, đi không vững. Nhưng lúc đó, có đau nữa cũng phải cố".

Sau đó nhà trường tạo điều kiện sắp xếp các lớp học của Minh ở tầng 1, bố con ông di chuyển đỡ vất vả hơn.

Thời gian đầu khi chưa có đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ, ông Mây luôn đưa Minh đến trường.

Bị ngã gãy chân khi làm thợ khai thác đá từ hồi tháng 3, dù đã quá thời gian lấy đinh, ông Mây vẫn chần chừ vì nếu phẫu thuật cũng phải mất vài tuần mới hồi phục, vợ không thể ra trông con nên ông cứ khất lần. "Để thì càng chắc chân, mấy hôm nữa rồi làm, không vội", ông Mây tếu táo.

"Thời điểm trước Minh với Hiếu dự định khi ra Hà Nội rồi về sống cùng ở một gia đình người quen gần trường. Vốn hai đứa đã thân nhau nên ở chung không mấy khó khăn. Tính là thế nhưng giờ mỗi đứa một nơi, tôi phải đồng hành cùng con", ông Mây kể.

Thời gian đầu được bố đưa đi, sau lại có các anh chị tình nguyện viên nhưng Minh vẫn chưa quen và đôi khi cảm thấy lạc lõng. Ngày trước khi có Hiếu cùng đi, cậu nói đủ thứ chuyện, cả hai cười nói rôm rả. Nhưng giờ đây, dù được ngồi thoải mái trên chiếc xe lăn điện vừa được tặng, Minh vẫn thấy trống trải.

"Em đã quen với nhiều bạn mới nhưng vẫn cần thời gian để thích nghi hơn", Minh cười.

Ngoài giờ học trên trường, Minh cùng bạn bè lên thư viện hoặc tự ôn bài ở nhà.

Mỗi ngày đi học về Minh thường lấy điện thoại để gọi hoặc nhắn tin cho Hiếu. Lịch học khác nhau, Hiếu học Y nên cũng ít có thời gian rảnh, Minh thường chọn thời gian buổi tối để nói chuyện.

Hồi tháng trước Minh xin bố cho về Thái Bình thăm Hiếu. Trước nữa, Hiếu cũng ra Hà Nội thăm Minh, cả hai cùng đi Lăng Bác, đến Hồ Gươm...

Minh (trái) và Hiếu trong lễ khai giảng của Đại học Bách khoa Hà Nội, sáng 15/10. Ảnh: HUST.

Nhìn vào đoạn nhắn tin vừa gửi cho Hiếu, Minh bộc bạch: "Ngày trước ở quê bọn em chỉ đi học rồi về nhà, cuộc sống không có nhiều thay đổi, nhưng lên đại học thì khác. Mỗi người sẽ có những nỗi lo riêng, ai cũng phải vì bản thân, gia đình của mình mà phấn đấu".

Đưa con trai từ Thanh Hóa lên Hà Nội nhập học hồi tháng 10, một người trước giờ chỉ làm quen với đồng ruộng, vườn tược như ông Mây nay phải làm quen với cuộc sống thành thị, ít nhiều cũng lạ lẫm.

Thường ngày ông Mây dậy sớm để kiểm tra hệ thống bể chứa, đi chợ rồi chuẩn bị bữa sáng, quần áo để Minh tới lớp. Gần trưa lại về phòng nấu cơm, giặt giũ.

Công việc quản lý bể chứa nước cho sinh viên trong tòa nhà giúp ông có thêm 2 triệu đồng/ tháng, nhưng sinh hoạt phí của hai bố con khoảng 6 triệu đồng/ tháng, vợ ông vẫn phải gửi ra thêm.

"Ở đây không giống ở quê cái gì cũng phải mua, rồi tiền điện, nước cũng tốn. Dù tiết kiệm nhưng cũng không đủ. May mà Minh được miễn học phí nên cũng đỡ hơn", ông tâm sự.

Ở với bố, thi thoảng Minh hay nói: "Hay bố về nhà đi, con ở đây tự lo liệu được, bố cứ quanh quẩn trong phòng con nhìn cực quá. Cái gì không làm được con sẽ tự khắc phục".

Ngoài việc nấu cơm và giặt đồ, mọi việc sinh hoạt khác Minh đều có thể tự làm.

Nhưng lần nào ông Mây cũng lắc đầu, xua tay vì con trai có thể tự vệ sinh cá nhân, nhưng đâu thể nấu cơm, giặt quần áo.

Thoáng nhìn lên đồng hồ đã gần 10 giờ trưa, ông Mây cùng ông Trần Văn Nhuận (50 tuổi, Hải Phòng - bác ruột của Quân) chuẩn bị cơm trưa. Vắng Hiếu, Minh dần kết bạn được với Quân, cả hai cùng nhau học bài, chơi game và hỗ trợ nhau trong mọi việc.

Bữa cơm hàng ngày của gia đình ông Mây và ông Nhuận.

Đồng hồ chỉ 11h30, ông Mây trải chiếu, ông Nhuận bê một mâm cơm với cá sốt cà chua, bắp cải luộc nhanh chóng được dọn ra. Minh và Quân dọn lại sách vở rồi ngồi xuống ăn. Không khí căn phòng trở nên náo nhiệt hơn.

Đợt Tết dương lịch sắp tới, ông Mây đang tính toán đưa con trai về nhà rồi tranh thủ đi rút đinh tận dụng mấy ngày nghỉ lễ. Còn về phần Minh, cậu đang tập trung cho việc ôn thi, đồng thời ấp ủ kế hoạch đi chơi Tết cùng người bạn thân Minh Hiếu.

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ