Chủ nhật, 9/8/2020, 00:07 (GMT+7)

17 năm sau đại phẫu tách dính, Cúc - An hôm nay thi đại học

Thanh HóaThu Cúc - Thùy An năm nay vừa tròn 18 tuổi, quyết tâm thi đỗ đại học để bố mẹ bớt cực khổ.

Thu Cúc rảo bước về nhà sau buổi học thêm Toán ngay gần nhà, Thùy An cùng vừa tan lớp Văn, nhanh chân chạy theo, hai chị em bàn tán sôi nổi về kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Cúc và An là cặp chị em song sinh tại Hà Trung, Thanh Hóa từng bị dính liền từ ngực xuống bụng, khả năng sống sau phẫu thuật chỉ 50% của 17 năm về trước. Năm nay, hai chị em tròn 18 tuổi, đang gấp rút ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2020.

Cặp chị em song sinh Thu Cúc - Thùy An.

Do sinh mổ, mẹ chọn Cúc làm chị vì nặng hơn An vài lạng. Cúc đeo kính, dáng người đậm, trầm tính, ít nói và thích học các môn tự nhiên. An hoạt ngôn, nhanh nhẹn, từng đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp tỉnh năm lớp 11 và có lợi thế về các môn xã hội. Hai chị em đều học lớp đầu của trường, thành tích học tập nổi trội.

An lựa chọn thi khối D vào Học viện Báo chí Tuyên truyền vì muốn trở thành phóng viên. Còn Cúc thi khối A1 vào Học viện Tài Chính vì thích làm kinh tế, tài chính giống chị cả năm nay 25 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội.

Ngoài giờ học trên lớp, đi học thêm, Cúc và An vẫn miệt mài ôn tập. Mỗi chị em học một khối nhưng không lơ là môn thi tốt nghiệp, có gì không hiểu lại quay sang hỏi nhau. Lên lớp 12, cả hai "tăng tốc" học tập và ôn luyện. Nhiều lúc tỉnh dậy giữa đêm, chú Lê Anh Luân, 62 tuổi - bố của Cúc và An - lại phải nhắc con đi ngủ để đảm bảo sức khỏe.

Hai chị em tập trung ôn luyện trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hồi tháng 2, Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, cặp song sinh phải ở nhà học trực tuyến. "Học trên điện thoại thì bất tiện, nhưng hồi năm lớp 10, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (người thực hiện ca tách dính cho hai chị em - PV) có gửi tặng một máy tính xách tay để tiện học tập. Cũng nhờ có chiếc máy tính mà việc học tập của em và chị dễ dàng hơn", An nói.

Hết dịch, hai chị em tiếp tục đến trường học. Nhà cách trường chừng 5 phút đi bộ. Mỗi sáng Cúc và An cùng nhau đến trường, tan học lại về chung. Con đường đến trường suốt 12 năm học của cặp song sinh chẳng lúc nào thiếu tiếng cười.

Cuộc đại phẫu thuật 17 năm về trước

Sau bữa cơm trưa ngày cuối tuần, Thu Cúc - Thùy An đòi mẹ lấy những tấm ảnh ngày bé ra xem. Lâu rồi cả gia đình không ngồi quây quần và nhắc lại những ký ức của 17 năm về trước. Hai chị em xem từng tấm ảnh, ánh mắt vẫn hiếu kỳ như ngày nào vì chẳng còn nhớ cảm giác khi bị dính vào nhau ra sao. "Mình ngày bé chắc cũng giống hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi chị nhỉ", An quay sang nói với Cúc khi thấy tivi đưa tin về cặp song sinh dính liền ở TP HCM.

Xem truyền hình đưa tin về cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi được phẫu thuật tách rời, đôi mắt chú Luân, cô Bình (mẹ Cúc - An) nhòe đi như thấy lại hình ảnh của gia đình mình 17 năm trước...

Cô Trịnh Thị Bình, mẹ của Thu Cúc - Thùy An, cho biết: "Đã 17 năm trôi qua nhưng với tôi mọi chuyện như vừa mới hôm qua".

Ngày 6/12/2002, cô Bình đi đến bệnh viện tại Thanh Hóa để sinh con. Trước đó khi siêu âm bác sĩ chỉ báo là song thai, vợ chồng mừng ra mặt vì sắp có thêm hai cô con gái. Do là lần thứ hai mang thai, cô có kinh nghiệm, không lo lắng.

Khi chào đời, An hơi bị ngạt, chân tím tái trong tình trạng dính liền với Cúc từ xương ức đến bụng. Biết tin, chú Luân lặng người, nhưng không dám nói với vợ. Hai đứa trẻ sơ sinh được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt, cô Bình được đưa sang phòng khác.

Cặp song sinh khi chưa phẫu thuật.

Tỉnh dậy khi hết thuốc mê, cô Bình muốn gặp con nhưng người nhà và bác sĩ không cho gặp vì sợ cô bị sốc. Ban đầu cô chịu, nhưng khi nghe một số người bàn tán có cặp song sinh bị dính liền thân, lấy hết sức, cô tìm xuống phòng. Vừa nhìn thấy con, cô ngất lịm.

Khi hai bé được 3 ngày tuổi, GS Nguyễn Thanh Liêm, lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, có chuyến công tác về Thanh Hóa, ông đã tìm gặp cặp song sinh. Gia đình chú Luân - cô Bình như "tìm được chiếc phao cứu mạng", mong hai cô con gái có thể sống như những đứa trẻ bình thường.

Ở bệnh viện Thanh Hóa tròn 43 ngày, hai bé được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Các cuộc chụp chiếu, chẩn đoán xác định cặp song sinh dính nhiều bộ phận cơ thể như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức chung nhau, tỷ lệ thành công của ca mổ tách dính là 50 - 50, thậm chí phải ưu tiên cơ hội sống cho một trong hai bé.

Ngày đưa con đi viện, từ 54 kg cô Bình gầy rộc còn 38 kg, lại phát hiện mắc bệnh suy thận. Nhưng vì chạy chữa cho con, cô bỏ mặc bệnh. Chi phí ở bệnh viện đắt đỏ, cô khuyên người thân về quê, để mình chăm con, còn chú Luân ở nhà đi làm kiếm tiền chạy chữa, đồng thời chăm sóc con gái lớn mới 7 tuổi.

Ở viện gần một năm, cô Bình phải nghỉ việc ở nhà máy thuốc lá, nguồn kinh tế một mình chồng lo liệu. "Vừa làm vừa vay mượn, cứ có đồng nào chú lại gửi ra Hà Nội hết", cô nghẹn lời.

Ngày 17/10/2003, khi Cúc và An được hơn 10 tháng tuổi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương tiến hành ca phẫu thuật tách đôi. Ca mổ kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ với sự tham gia của khoảng 50 y bác sĩ, các bộ phận bị dính như xương ức, khoang màng tim, gan, tá tràng và ruột non đều được tách. Theo GS Nguyễn Thanh Liêm, đây là một trong số cặp song sinh dính nhau phức tạp nhất mà ông từng phẫu thuật.

Thu Cúc khi vừa trải qua cuộc phẫu thuật, hai chị em được phân biệt bằng cách dính tên lên trán.

Gần 17h cùng ngày, cánh cửa phòng phẫu thuật mở ra, cô Bình - chú Luân thở phào khi nghe tin báo ca tách thành công. Lần đầu tiên sau hơn 10 tháng dính chặt, Cúc và An được chuyển ra hai giường riêng, đánh dấu một cuộc sống mới.

Đúng ngày 6/12/2003, tròn một tuổi, hai em được xuất viện.

Sau cuộc đại phẫu thuật, sức khỏe của Cúc ổn định, phát triển tốt, còn An bị tắc ruột, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật 3 lần mới ổn định.

"Bắt đầu đi học, Cúc và An thường bị bạn bè trêu là "đồ mặt dài", thậm chí có người còn nói 'do gia đình tôi ăn ở không tốt nên bị quả báo', nghe vậy tôi buồn lắm, chỉ muốn dành tất cả để bù đắp cho hai con", cô Bình nhớ lại.

Ngày bé, An và Cúc hay hỏi mẹ về chuyện bị dính ra sao, vì sao hay bị bạn bè trêu chọc, nhưng lớn dần, hai chị em tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện cũ. Nếu tò mò cả hai lại lén lên báo đọc các bài viết về mình.

"Cả em và chị đều cảm thấy may mắn vì sau phẫu thuật vẫn được sống và khỏe mạnh. Giờ em muốn để cho mọi người thấy được sự cố gắng của chúng em. Những thành tích đạt được như một món quà tri ân gửi tới GS Nguyễn Thanh Liêm - người đã sinh ra chúng em lần thứ hai. Chúng em xem ông như người cha thứ hai của cuộc đời mình", An xúc động nói.

Bữa cơm của gia đình chú Luân, cô Bình.

Hiện tại, cô Bình vẫn chạy thận ở bệnh viện 3 lần/tuần, chú Luân đi làm thêm tại công ty thuốc lá hoặc ai gọi thì nhận, vì phải lo tiền thuốc thang cho vợ và hai con. Cô con gái lớn đã đi làm ở Hà Nội vẫn gửi tiền về, nhưng cô chú không tiêu vì muốn để tiền đó làm vốn cho con.

Ngồi cạnh mẹ, Cúc thủ thỉ nói sẽ cố gắng thi đỗ đại học, sau đó tìm công việc làm thêm, còn An sẽ xin vào ký túc xá để đỡ phần nào chi phí sinh hoạt.

Nhiều người hỏi tại sao nhất quyết phải vào đại học, với Cúc và An, chỉ có học mới giúp cả hai có tương lai tốt hơn, để có thể nhanh chóng đi làm chữa bệnh cho mẹ, để bố không phải cực khổ nữa. "Hơn 17 năm qua bố mẹ đã quá vất vả vì chúng em rồi", Cúc tâm sự.

Thúy Quỳnh